Báo Trung Quốc chỉ trích Mỹ và NATO sau khi Nga tuyên bố đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus
Khi đề cập đến vấn đề Ukraine, phương Tây và Nga đang không ngừng thách thức, gây áp lực lẫn nhau. Mỹ và NATO càng gây áp lực, Nga đáp trả càng mạnh mẽ hơn.
Iskander là mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Hôm 26/3, NATO đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Nga về việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới nước láng giềng Belarus vào mùa hè năm nay. Cùng ngày, EU cảnh báo sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Belarus.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm trực thuộc Nhân dân Nhật báo, Nga tuyên bố đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là nhằm đáp trả việc Anh thông báo cung cấp đạn xe tăng chứa uranium nghèo cho Ukraine.
Tờ Hoàn Cầu cho biết, động thái trên của Nga cũng nhằm đáp trả Mỹ. Washington từ lâu đã đặt bom hạt nhân B-61 ở nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra mối đe dọa thường trực với Nga.
"Việc Nga tuyên bố đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus cũng là nhằm đáp trả các hành động leo thang trước đây và hiện tại của Mỹ và NATO", chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Bắc Kinh nói trên tờ Hoàn Cầu.
Belarus là nước láng giềng Nga, cách không xa so với Ba Lan, Đức và các nước vùng Baltic, thậm chí là các nước Bắc Âu. Nếu vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai ở đó, điều này sẽ tạo ra sự răn đe đáng kể đối với các nước thành viên NATO ở gần Nga, ông Song nói.
Theo Hoàn Cầu, các diễn biến mới cho thấy việc Mỹ và NATO gia tăng áp lực với Nga thông qua trừng phạt hoặc đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ càng làm căng thẳng leo thang, dẫn đến những kết cục mà không ai muốn thấy.
Mỹ và NATO đang không ngừng gây sức ép với Nga. Ảnh: Hoàn Cầu.
Wang Shuo, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh, nói Mỹ biết tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, nhưng Washington vẫn gây sức ép với Moscow nhằm thể hiện sự thống trị.
Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã sử dụng các chiến thuật gây sức ép cực độ đối với Liên Xô, buộc Liên Xô phải xuống thang. ngày nay, Washington vẫn muốn áp dụng các chiến thuật tương tự, ông Wang nói.
Các diễn biến mới cũng cho thấy triển vọng hòa bình ở Ukraine vẫn còn xa vời. Nếu như Nga còn chưa bị khuất phục, Mỹ sẽ chưa muốn thúc đẩy một giải pháp hòa bình, báo Trung Quốc nhận định.
Theo Hoàn Cầu, Washington không muốn thấy Moscow giành chiến thắng trên chiến trường. Ukraine thất bại có nghĩa là NATO thất bại, đồng nghĩa ảnh hưởng đến sự thống trị của Mỹ trên toàn cầu.
Nhìn chung, xung đột giữa Nga và Ukraine là "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" mà Mỹ đứng sau, báo Trung Quốc nhận định. Chỉ khi nào Mỹ và Nga đạt được tiếng nói chung, xung đột ở Ukraine mới có thể kết thúc. Xung đột kéo dài không chỉ gây tổn hại đến Nga và Ukraine, mà ảnh hưởng tới toàn châu Âu.
Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo trừng phạt Belarus trong trường hợp nước này để Nga triển khai vũ khí hạt nhân.
Nguồn: [Link nguồn]