Báo TQ nói gì vụ Mỹ trừng phạt các công ty TQ tham gia xây đảo trái phép ở Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc cho rằng Mỹ đang làm phức tạp thêm một số vấn đề then chốt trong quan hệ song phương, từ Biển Đông tới quân sự và thương mại.
Mỹ hôm 26/8 tuyên bố trừng phạt hàng loạt công ty Trung Quốc tham gia xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã
Hôm 26/8, Washington tiếp tục leo thang căng thẳng với Bắc Kinh khi trừng phạt hàng loạt công ty Trung Quốc tham gia xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.
Theo Thời báo Hoàn cầu, các chuyên gia cho rằng động thái này, nhằm khơi dậy làn sóng chống Trung Quốc ở một số khu vực nhất định của Mỹ trước thềm bầu cử, sẽ không khiến Bắc Kinh "chùn bước" trong việc theo đuổi những tham vọng và lợi ích trên Biển Đông cũng như trong lĩnh vực thương mại.
Bộ Thương mại Mỹ trong tuần này đã thông báo về việc bổ sung 24 công ty Trung Quốc vào Danh sách Thực thể (bị trừng phạt) vì hỗ trợ xây dựng các đảo quân sự trái phép trên Biển Đông. Các công ty này bao gồm, 5 công ty thuộc Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc, một số thuộc Công ty viễn thông ở tỉnh Quảng Châu và thành phố Thiên Tân.
Washington tuyên bố các công ty này đang giúp chính phủ Trung Quốc "kiểm soát và quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông". Các công ty Trung Quốc trong danh sách của Mỹ sẽ bị hạn chế tiếp nhận hàng hóa Mỹ xuất khẩu.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 26/8 cũng cho biết sẽ áp đặt các hạn chế về thị thực với một số cá nhân Trung Quốc liên quan tới việc xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng Danh sách Thực thể để trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Biển Đông sau các động thái tương tự với vấn đề Hong Kong và Tân Cương.
Lệnh trừng phạt cho thấy Mỹ đang thực hiện một cuộc đấu toàn diện với Trung Quốc ở các mặt trận ngoại giao, quân sự và dư luận nhưng nó cũng cho thấy "sự cạn kiệt" phương pháp đối phó của Mỹ. Washington phải dùng tới cách cuối cùng là các biện pháp trừng phạt dù các biện pháp này không tác động quá lớn tới các công ty Trung Quốc, theo Chen Xiangmiao, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc.
Ông Chen cho rằng trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang trở nên căng thẳng, nhân viên của các công ty này sẽ hạn chế tới Mỹ vì vậy lệnh trừng phạt chỉ mang tính biểu tượng và nó sẽ không thay đổi hoặc ngăn cản lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc cho biết, các chuyên gia nước này không ngạc nhiên với động thái trừng phạt mới của Mỹ vì Washington đã tăng cường "đối phó" với Trung Quốc ở lĩnh vực thương mại, nhân quyền và một số vấn đề khác.
Ông Chen còn cho rằng lệnh trừng phạt "tượng trưng" của Washington có thể là một chiến thuật khác của chính quyền ông Trump, sử dụng "lá bài Trung Quốc", nhằm giành giật sự ủng hộ của cử tri khi ngày bầu cử đang đến gần.
"Dư luận thế giới và xã hội Mỹ đều đang theo dõi sát sao diễn biến tại khu vực Biển Đông. Động thái mới của Washington chỉ là 'phép thử' để biết liệu vấn đề này có giúp ông Trump có thêm phiếu bầu hay không", Hoàn cầu dẫn lời ông Chen nhận định.
Sau khi lệnh trừng phạt các công ty Mỹ được đưa ra, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đăng tải trên Twitter: "Mỹ đang hành động ngay hôm nay để ủng hộ tự do hàng hải và phản đối sự ép buộc nhắm tới các đồng minh và đối tác ở khu vực Đông Nam Á".
Theo ông Chen, tuyên bố của ông Pompeo nhằm mục đích "thổi bùng ngọn lửa" chống Trung Quốc ở các nước Đông Nam Á. "Nhưng những nước này đều cố gắng đứng ở vị trí trung lập. Việc chọn đứng về phe nào cũng đều gây ra những hậu quả khó lường", ông Chen nhận định.
Các chuyên gia Trung Quốc khác cũng lên tiếng về lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ với các công ty Trung Quốc.
"Ý định tốt là chưa đủ. Chúng ta phải chuẩn bị tốt để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc", Bai Ming, Phó giám đốc Viện nghiên cứu thị trường quốc tế tại Học viện hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc), nói.
Theo ông Bai, việc thúc đẩy rời bỏ quan điểm "lấy Mỹ làm trung tâm", theo đuổi các hành động pháp lý và đưa ra các biện pháp đối phó... đang được xem xét để đảm bảo sự tồn tại của các công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng vì lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Bai viện dẫn việc TikTok đệ đơn kiện chính quyền ông Trump là một ví dụ cho động thái đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 26.8, Mỹ đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen và phải bị hạn chế vì tham gia vào hoạt động xây dựng trái phép...