Báo TQ: Nếu Ấn Độ khai chiến, kết quả còn "ê chề" hơn thất bại năm 1962
Sau cuộc đụng độ chết người ở thung lũng Galwan, dư luận Ấn Độ hết sức bất bình và quân đội Ấn Độ cũng đã đưa nhiều trang thiết bị vũ khí đến biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Pháo gắn trên xe tải là vũ khí uy lực của Trung Quốc trong tác chiến vùng núi.
Trước nguy cơ leo thang xung đột Trung-Ấn, tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận cảnh báo Ấn Độ.
Hoàn Cầu cho rằng nếu Ấn Độ phát động xung đột thì kết quả sẽ còn ê chề hơn cuộc chiến biên giới năm 1962. Trong cuộc chiến năm đó, Ấn Độ bị quân Trung Quốc đánh úp, mất quyền kiểm soát cao nguyên Aksai Chin.
Hoàn Cầu dẫn lại tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, rằng quân đội được “bật đèn xanh” cho các hoạt động quân sự nếu cần thiết.
Nhưng ông Modi cũng nói rằng quân Trung Quốc không xâm phạm biên giới Ấn Độ, theo Reuters. Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng ông Modi vừa muốn xoa dịu sự phẫn nộ ở trong nước, vừa muốn hạ nhiệt căng thẳng vì biết Ấn Độ không thể gây chiến thêm một lần nữa với Trung Quốc.
Lin Minwang, giáo sư trung tâm nghiên cứu về Nam Á tại Đại học Fudan, Thượng Hải, nói tuyên bố của ông Modi là rất cần thiết để hạ nhiệt căng thẳng.
Chuyên gia quân sự Wei Dongxu ở Bắc Kinh nói ông Modi đang muốn dư luận trong nước thấy quân đội có quyền hành động và cũng làm tăng sĩ khí của binh sĩ.
Ông Wei đánh giá không chỉ năng lực quân sự Trung Quốc vượt trội hơn Ấn Độ, mà sức mạnh tổng hợp, bao gồm cả kinh tế, tầm ảnh hưởng quốc tế, Trung Quốc đều hơn Ấn Độ.
Chuyên gia Lin cho rằng Ấn Độ có thể gây chiến với Pakistan, nhưng đứng trước Trung Quốc, đó là câu chuyện khác.
“Chính phủ và quân đội Ấn Độ biết Trung Quốc mạnh như thế nào, chỉ có những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ là không biết gì và chỉ biết kiêu ngạo”, Lin nói, nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẽ không dám khai chiến trước.
Ở thời điểm hiện tại, ông Wei cho rằng Ấn Độ nên tập trung vào vấn đề kinh tế và đối phó dịch Covid-19. “Khai chiến với Trung Quốc sẽ chỉ càng làm tổn thương Ấn Độ”, ông Wei nói.
Theo Hoàn Cầu, Trung Quốc đã rất kiềm chế, nhưng cũng không ngần ngại nếu căng thẳng leo thang thành chiến tranh biên giới như cuộc chiến năm 1962. Nếu như vậy, thương vong bên phía Ấn Độ sẽ còn lớn hơn rất nhiều, Hoàn Cầu cảnh báo.
Đó là vì quân đội Trung Quốc đã làm chủ năng lực hiệp đồng tác chiến, là lực lượng có kỷ luật cao và các sỹ quan có tư duy chiến thuật vượt trội.
Chuyên gia Lin nói thêm rằng Trung Quốc muốn tập trung binh lực đối phó với các vấn đề ở phía đông, như vấn đề Đài Loan, nên lực lượng ở biên giới với Ấn Độ có phần hạn chế.
Nhưng nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc có thể nhanh chóng huy động một lực lượng đáng kể đến biên giới phía tây, bởi năng lực không vận của Trung Quốc đã cải thiện rất nhiều.
“Ấn Độ đã không dám phát động chiến tranh với Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ và muốn giữ căng thẳng ở mức thấp”, Lin nói.
Theo Hoàn Cầu, Ấn Độ mua cả vũ khí Mỹ lẫn vũ khí Nga, có thể sẽ không hiệp đồng tác chiến hiệu quả. Quân đội Ấn Độ cũng thiếu kỷ luật, ví dụ như sai sót làm nổ tàu ngầm neo ở cảng hay bắn nhầm trực thăng quân mình.
Cuối cùng, Hoàn Cầu cảnh báo xung đột trong tương lai nếu xảy ra sẽ là cuộc chiến phản công tự vệ mà Trung Quốc không cần kiểm soát thêm lãnh thổ Ấn Độ, nhưng vẫn làm Ấn Độ tổn thương nặng nề, kéo lùi vị thế và nền kinh tế Ấn Độ tới hàng thập kỷ.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Ấn Độ 20.6 đã thay đổi nguyên tắc đụng độ (ROE), cho phép các binh sĩ tuần tra được quyền nổ súng ở khu...