Báo TQ: Đập Tam Hiệp giúp dân "vĩnh biệt đói nghèo" ra sao?

Năm nay, người dân sống ở khu vực dự án đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất hành tinh – đã chứng kiến một thành tựu lịch sử về việc vĩnh biệt đói nghèo, theo Tân Hoa Xã.

Đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất hành tinh ở Trung Quốc (ảnh: SCMP)

Đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất hành tinh ở Trung Quốc (ảnh: SCMP)

Theo Tân Hoa Xã, với diện tích khoảng 10.000 km vuông, khu vực xung quanh đập Tam Hiệp là nơi sinh sống của hơn 30 triệu người từ lâu đã bị đói nghèo đeo bám, mãi đến khi con đập được xây dựng.

Tháng 5 năm nay, toàn bộ 19 quận huyện khu vực thuộc dự án đập Tam Hiệp đã thoát nghèo nhờ đập Tam Hiệp. Con đập đã tạo thêm công ăn việc làm và cảnh quan du lịch sinh thái cho người dân xung quanh.

Song Qinggui – một dân làng sống ở huyện Vu Sơn, Trùng Khánh – đang bận rộn với công việc kinh doanh khá phát đạt của mình.

Năm 2002, Song và gia đình đã phải di dời nhà cửa vì dự án xây đập Tam Hiệp. Trước đây, khi con đập chưa được xây dựng, gia đình ông chủ yếu sông bằng nghề nông.

“Tôi từng rất lo lắng khi gia đình mình phải tái định cư ở một ngôi làng trên núi. Đất ở đây không màu mỡ. Chúng tôi phải làm gì với mảnh đất đầy sỏi đá vừa được cấp”, Song nhớ lại.

Tuy nhiên, hiện tại, Song có thể kiếm mỗi năm 200.000 nhân dân tệ (khoảng 28.500 USD) nhờ kinh doanh du lịch sinh thái. Nhờ vào cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và độ nổi tiếng của đập Tam Hiệp, ngôi làng mà Song sống đã trở thành một khu du lịch hút khách.

Song Qinggui chuẩn bị bữa ăn cho khách du lịch (ảnh: Xinhua)

Song Qinggui chuẩn bị bữa ăn cho khách du lịch (ảnh: Xinhua)

Sau nhiều năm khó khăn, Song mở rộng công việc kinh doanh và trở thành một trong những người thành công nhất làng.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ công việc kinh doanh sẽ tốt như vậy. Các phòng nghỉ, bàn ăn được đặt kín chỗ từ mùa thu đến mùa đông – thời điểm đẹp nhất để ngắm lá đỏ trên núi và tới thăm con đập”, Song nói.

Một dự án đường sắt cao tốc đang được xây dựng nhằm nối hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Trùng Khánh.

“Sau khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ đón thêm nhiều du khách hơn. Đó sẽ là lúc tôi cần mở rộng quy mô khu du lịch sinh thái của mình”, Song hào hứng.

Năm 2018, huyện Vu Sơn đón 16 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài Trung Quốc, mang lại thu nhập hơn 900 triệu USD cho người dân toàn huyện.

Dựa trên điều kiện khí hậu và địa hình, người dân huyện Phụng Tiết, Trùng Khánh đã đẩy mạnh việc trồng cam, giúp hơn 7.000 hộ gia đình thoát nghèo. Toàn huyện có 23.000 ha cam.

“Gia đình tôi sở hữu hơn 200 gốc cam. Mỗi năm có thể thu hoạch được 10 tấn cam và bán được hơn 40.000 nhân dân tệ (khoảng 5.700 USD)”, Li Shengmei – một nông dân ở Phụng Tiết – chia sẻ.

“Tôi kiếm được 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.400 USD) mỗi năm còn chồng tôi thì thu nhập gấp 5 lần. Chúng tôi định chuyển lên sống ở thành phố trong tương lai. Con gái tôi đã tìm được công việc ở một trường học trong huyện. Gia đình tôi cũng mới mua được nhà trên huyện. Tôi tin rằng cuộc sống của mình rồi sẽ tốt đẹp hơn”, bà Deng Xiuying – một người dân ở huyện Vạn Châu, Trùng Khánh – cho biết.

Chính quyền Trùng Khánh cũng áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính, y tế nhằm giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế sau khi phải di dời nhà cửa vì dự án xây đập Tam Hiệp.

Cảnh quan một ngôi làng trên núi thuộc khu vực dự án đập Tam Hiệp (ảnh: Xinhua)

Cảnh quan một ngôi làng trên núi thuộc khu vực dự án đập Tam Hiệp (ảnh: Xinhua)

Việc xây dựng đập Tam Hiệp là lợi hay hại đối với Trung Quốc đến nay vẫn còn là đề tài gây tranh cãi.

Dự án đập Tam Hiệp đã khiến ít nhất 1,3 triệu người ở hơn 1.500 thành phố, thị trấn dọc sông Dương Tử phải di dời, nhiều di tích lịch sử cũng bị tổn hại. Số vụ lở đất, địa chấn xung quanh khu vực đập Tam Hiệp cũng tăng lên sau khi con đập được xây dựng.

Một trong những ảnh hưởng lớn khi xây dựng đập Tam Hiệp là môi trường. Các loài cá trên sông Dương Tử giảm dần về số lượng, một số loài tuyệt chủng sau khi đập được xây. Đầu năm nay, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử.

Cảnh sát ở Hồ Bắc cho biết, họ đã xử phạt và bắt giữ nhiều băng nhóm đánh bắt cá trái phép trên sông Dương Tử kể từ khi lệnh cấm được ban hành. Lệnh cấm đánh cá cũng ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều ngư dân sống ven sông Dương Tử.

Kể từ khi đập Tam Hiệp chính thức đi vào hoạt động, Trung Quốc đã chi khoảng 85 tỷ USD để giảm bớt tác động tiêu cực của đập Tam Hiệp đối với các khu vực xung quanh. 

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Vì sao mới đầu mùa lũ mà đã liên tục vỡ đê?

Theo các chuyên gia, lượng mưa lớn kéo dài cùng hiện tượng thời tiết diễn biến thất thường, khó dự báo là nguyên nhân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Tân Hoa Xã ([Tên nguồn])
Đập Tam Hiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN