Báo Thổ Nhĩ Kỳ: Chính Mỹ mưu sát Tổng thống Erdogan
Tờ báo có số lượng độc giả rất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã có những lời lẽ đanh thép dành cho đồng minh Mỹ sau vụ đảo chính bất thành cách đây ít hôm.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ âm mưu sát hại Tổng thống Erdogan trong vụ đảo chính.
Ibrahim Karagul, tổng biên tập báo Yeni Safak, một tờ báo cánh hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Washington dung túng cho kẻ đứng sau cuộc nổi dậy là giáo sĩ Gulen. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cuộc thanh trừng quy mô lớn khi tất cả những thành viên dính líu tới giáo sĩ Fethullah Gulen đều bị bắt giam hoặc loại bỏ khỏi bộ máy công quyền. Gulen hiện đang sống ở Pennsylvania, Mỹ.
“Chính quyền Mỹ âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ thông qua tổ chức khủng bố của Gulen, tìm cách gây nội chiến, khiến người dân trong nước tàn sát lẫn nhau”, bài báo viết. “Mỹ là nước duy nhất lên kế hoạch và thực hiện âm mưu đảo chính. Những tướng tá, kẻ phản bội đều nhận lệnh từ Gulen”.
Tờ báo khẳng định chính quyền Mỹ bao che cho một tổ chức khủng bố nên cũng được xem là một quốc gia tài trợ khủng bố. Theo bài báo, Mỹ thực hiện âm mưu đảo chính nhờ mạng lưới của Gulen và giết hại dân thường nhờ những "kẻ khủng bố" của phong trào do Gulen khởi xướng.
Tác giả bài báo Karagul là một người nổi tiếng với những bài xã luận đanh thép, hùng hổ. Sau tuyên bố của ông này, tờ Daily Sabah, một phiên bản thân chính phủ viết bằng tiếng Anh, gửi thăm dò dư luận trên Twitter với nội dung “Bạn có tin rằng Mỹ là kẻ đứng sau vụ đảo chính quân sự vừa qua?”.
Erdogan cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Ankara đã kêu gọi Washington điều tra giáo sĩ Gulen và mạng lưới Hizmet của ông này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính thức yêu cầu Washington dẫn độ giáo sĩ Gulen từ Mỹ về nước.
Sân bay Atarturk thời điểm xảy ra vụ đảo chính quân sự.
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ xử lý tình huống này thế nào nhưng chắc chắn quan hệ với đồng minh thân cận như Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp nhiều trúc trắc. Lãnh đạo Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu bày tỏ sự nghi ngại trước cuộc thanh trừng thẳng tay của ông Erdogan sau cuộc đảo chính.
Trong một phát biểu đưa ra ngày 18.7, đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ John Bass ủng hộ chính quyền Erdogan và ám chỉ nếu Washington ủng hộ cuộc đảo chính, “điều này sẽ gây hại cho mối quan hệ lâu đời giữa hai quốc gia”.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner phủ nhận cáo buộc của tờ Yeni Safak: “Chúng tôi thẳng thừng phủ nhận mọi cáo buộc đưa ra”, Toner trả lời trên tờ World Views bằng thư điện tử. “Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định rõ ràng sự ủng hộ dành cho chính quyền được bầu cử dân chủ của Tổng thống Erdogan. Bất kì sự bóng gió nào đều là sai lầm”.
Tờ World Views cho rằng chính quyền Erdogan tức giận khi Washington không bày tỏ động thái gì trong năm 2013 khi chính quyền hợp hiến của Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi bị đảo chính lật đổ. Có nhiều bằng chứng cho thấy nếu cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ thành công, Washington chắc chắn sẽ thuận theo kết quả này và ủng hộ chính quyền mới lập.
Người dân đổ ra đường chặn đứng các xe tăng quân sự của lực lượng đảo chính.
Tác giả Karagul xem đây là cuộc chiến lịch sử, không hồi kết: “Nếu họ thành công, rõ ràng Mỹ và châu Âu sẽ rất vui mừng. Ngày nay, nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh nhau chẳng khác gì thế chiến II. Tuy nhiên bất kì quốc gia nào tìm cách can thiệp vào công việc của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ấy sẽ phải chuốc mùi thất bại”.