Báo Singapore đề xuất chiến lược tối ưu để dập dịch ở Đông Nam Á
Theo Channel News Asia, trong khi tiêm chủng là chiến lược hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn đại dịch, kiểm tra - truy vết - cách ly là yếu tố hàng đầu để kiểm soát dịch.
Theo kênh Channel News Asia ngày 17-7, các quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng đột biến chưa từng có về số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 trong vài tuần qua. Tính tới 0 giờ ngày 17-7, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 2.780.803 ca mắc COVID-19, trong đó có 71.397 trường hợp tử vong (theo số liệu từ trang Worldometers)
Nhân viên y tế Malaysia tiến hành tiêm ngừa COVID-19 cho người dân. Ảnh: REUTERS
Với 54.517 trường hợp COVID-19 mới được ghi nhận trong ngày 15-7, Indonesia chính thức vượt Ấn Độ và trở thành tâm dịch mới của châu Á. Tuy nhiên, số ca mắc thực tế còn cao hơn nhiều so với số liệu được báo cáo vì công tác xét nghiệm COVID-19 của quốc gia Đông Nam Á này còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, số ca mắc bệnh và số ca tử vong do COVID-19 ở Malaysia cũng tăng đột biến. Trong tháng 7, Malaysia đã ghi nhận số trường hợp tử vong tăng gấp 24 lần so với cùng kỳ tháng 4.
Xác định nguyên nhân gây bùng phát dịch
Hai yếu tố góp phần làm gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Malaysia và Indonesia là sự thiếu ý thức của người dân khi tụ tập đông người và tốc độ lây lan nhanh chóng của các biến thể COVID-19 mới. Ở Malaysia và Indonesia, hầu hết mọi người tổ chức lễ Eid vào tháng 5. Bất chấp những hạn chế của chính phủ, người dân của hai nước này đã di chuyển đến nhiều nơi để gặp gỡ gia đình trong dịp này. Hơn nữa, các biến thể SARS-CoV-2 cũng khiến tốc độ lây lan dịch bệnh tăng chóng mặt.
Tất cả bốn biến thể nguy hiểm nhất của virus này gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta đều đã xuất hiện Đông Nam Á, chủ yếu ở Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Trong đó, biến thể Delta đã cho thấy khả năng lây truyền và "đánh bại hệ thống miễn dịch" cao hơn so với tất cả các biến thể khác. Ngoài ra, nỗ lực của các chính phủ nhằm thúc đẩy một số hình thức phục hồi kinh tế cũng được coi là một yếu tố đằng khiến số ca nhiễm COVID-19 bùng phát.
Tiêm chủng là chiến lược hiệu quả nhất để ngăn đại dịch
Theo Channel News Asia, bài học kinh nghiệm của Anh và Mỹ cho thấy rằng tiêm chủng là chiến lược hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn đại dịch. Mặc dù số ca mắc mới ở cả hai quốc gia nói trên đang có xu hướng tăng lên, số ca nhập viện và tử vong vẫn được giữ ở mức ổn định hơn so với Đông Nam Á - vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Anh và Mỹ đã ghi nhận số ca bệnh, nhập viện và tử vong cao kỷ lúc vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, hiện các số liệu của họ đã giảm đáng kể. Tính đến ngày 12-7, 51,6% dân số của Anh và 47,7% dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ. Ngày 28-5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra khuyến cáo táo bạo đối với những người đã được tiêm phòng đầy đủ. Cụ thể, cơ quan này đã quyết định loại bỏ nghĩa vụ đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách 2 m và kiểm dịch sau khi di chuyển quốc tế đối với những người đã tiêm phòng đầy đủ.
Tiếp tục thực hiện kiểm tra - truy vết - cách ly để kiểm soát dịch
Còn về kiểm soát đại dịch, Kiểm tra - Truy vết - Cách ly (TTI) vẫn là chiến lược quan trọng nhất.
Nguyên tắc của chiến lược này phát hiện càng nhiều trường hợp, với tốc độ càng nhanh càng tốt để xác định nguồn bệnh và ngăn chặn sự lây lan. Sau khi xác định nguồn lây, bệnh nhân sẽ được cách ly và được chăm sóc y tế nếu cần thiết.
Ngoài ra, chính phủ cũng phải đảm bảo tỉ lệ dương tính tối đa 5% theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ này được dùng để đánh giá mức độ và phạm vi xét nghiệm. Nếu tỉ lệ dương tính vẫn trên 5%, thì công tác xét nghiệm phải được tăng cường. Cuối cùng, cho đến khi phần lớn dân số được tiêm chủng, mọi người vẫn phải tiếp tục rửa tay, đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách, tránh tụ tập và hạn chế đi lại để kiểm soát đại dịch.
Khu vực Đông Nam Á đang nổi lên như "chiến trường" mới cho một trong những đợt lây lan Covid-19 mạnh nhất thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]