Báo Pháp: Vũ khí siêu vượt âm của Nga vượt trội hơn bất cứ thứ gì NATO hiện có
Nga và Trung Quốc là hai quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vũ khí siêu vượt âm vào biên chế quân đội, trong đó Nga đã đưa vào sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal từ cuối năm 2017 còn Trung Quốc công bố phương tiện bay siêu vượt âm DF-ZF vào năm 2019.
Xe phóng vũ khí siêu vượt âm Avangard của Nga.
Mỹ hiện đang phát triển công nghệ vũ khí siêu vượt âm và dự kiến sẽ đưa vào biên chế loại vũ khí này vào năm 2023.
Tên lửa siêu vượt âm Nga đang vượt trội hơn bất cứ vũ khí nào khác mà liên minh quân sự NATO đang sở hữu hiện nay, Sputnik dẫn thông tin từ báo Pháp Le Figaro.
Báo Pháp mô tả các đặc tính của tên lửa siêu vượt âm Nga với tư cách là vũ khí chiến lược, trong đó có tốc độ siêu nhanh và có thể thay đổi hành trình sau khi phóng. Báo Pháp đề cập đến phương tiện bay siêu thanh Avangard của Nga. Đây là vũ khí có thể được gắn trên các đầu đạn tên lửa đạn đạo liên lục địa. Các phương tiện bay siêu thanh Avangard được phóng từ một tên lửa có thể đồng thời tấn công nhiều mục tiêu ở bất kỳ đâu trên thế giới.
"Trong lĩnh vực chuyên biệt này, Nga đang đi trước một bước so với NATO", báo Pháp cho biết. Tờ Le Figaro nói các vũ khí siêu vượt âm đang là cách để Nga và Trung Quốc có thể duy trì khả năng xuyên phá các mạng lưới phòng thủ tên lửa của NATO.
"Mỹ đang xếp sau Nga về công nghệ vũ khí siêu vượt âm. Kho vũ khí hạt nhân của Nga đang được bổ sung nhiều loại vũ khí uy lực và có sức hủy diệt lớn", Igor Delanoe, Phó giám đốc Đài quan sát Pháp-Nga có trụ sở tại Moscow, cũng đồng tình, theo Sputnik.
Trong tuyên bố phát lệnh động viên một phần vào cuối tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc nhở phương Tây rằng, "trong trường hợp có mối đe dọa nhằm vào nước Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng mọi loại vũ khí hiện có".
Năm 2018, ông Putin công bố 5 vũ khí chiến lược mới của Nga, gồm tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, phương tiện bay siêu vượt âm Avangard, ngư lôi hạt nhân Poseidon, tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân 9M730 Burevestnik và tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat.
Ấn Độ hiện đang hợp tác chế tạo tên lửa siêu vượt âm với Nga và có thể ra mắt mẫu tên lửa mới vào năm 2027 hoặc 2028. Các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản và Úc cũng đang nghiên cứu công nghệ tương tự.
Trong khi đó, giới quan sát phương Tây đánh giá không phải tất cả vũ khí chiến lược mà Nga công bố đều sử dụng công nghệ mới.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal được coi là phiên bản phóng từ máy bay của tên lửa đạn đạo Iskander, với khả năng đạt tốc độ tối đa lên tới 14.000 km/giờ, nhanh gấp đôi tên lửa Iskander phóng từ mặt đất.
Siêu tên lửa RS-28 Sarmat được coi là phiên bản nâng cấp của tên lửa R-36 - mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng được thiết kế từ thời Liên Xô.
Mỹ hiện đang phát triển vũ khí siêu vượt âm mang tên AGM-183 ARRW. Sau khi đạt tới tốc độ 6.000 km/giờ, phương tiện bay siêu vượt âm sẽ tách khỏi tên lửa để tiếp tục tăng tốc độ lên hơn 24.000 km/giờ trước khi lao tới mục tiêu.
Nga đã đưa các chiến đấu cơ trang bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tới Kaliningrad, vùng lãnh thổ ở cực tây, hoàn toàn tách biệt và nằm giữa các quốc gia châu Âu.
Nguồn: [Link nguồn]