Báo nước ngoài viết về vật lạ "tiền tỉ" trong bụng heo

Được biết với tên gọi ở Việt Nam là "ngọc ếch" hay "cát lợn" có giá "tiền tỉ", các vật thể dạng này cũng từng được coi là thuốc tiên chữa bách bệnh hay thậm chí là đá quý trên thế giới, theo tạp chí khoa học Nautilus ở Mỹ.

Báo nước ngoài viết về vật lạ "tiền tỉ" trong bụng heo - 1
Một viên chất vón cục trong dạ dày động vật được khảm vàng xuất xứ Ấn Độ

Về cơ bản, một cơ thể sinh học bao gồm hệ thống khung xương, da thịt với các bộ phận nội tạng và những đường dây chằng chịt. Bên trong những ngóc ngách tại các mối nối này, đặc biệt trong đường tiêu hóa, thức ăn hay tạp chất có thể đọng lại, kết dính và nằm lỳ tại dạ dày hay ruột non.

Huyền thoại cho rằng các dị vật đó có quyền năng vô hạn chống mọi loại chất độc. Kể từ trước công nguyên, những bác sĩ Hy Lạp và Ba Tư cổ đại đã mài chúng lấy bột chữa bệnh như sừng tê giác. Phong trào này lan tới tận châu Âu hồi thế kỷ 12 nhờ đội quân Thập tự chinh. Ở thế kỷ 16, đây là vật bắt buộc phải có đối với giới quý tộc châu Âu, nhờ vào độ hiếm có và kỳ lạ của chúng.

Dị vật này thường tìm thấy trong dạ dày động vật như hươu, dê, và lạc đà, hay gần đây là trong dạ dày lợn như ở Việt Nam và Trung Quốc. Chúng được cấu thành khi gia súc ăn lẫn những viên đá. Chất can xi và phốt phát magie được hình thành và bọc quanh nó, giống như cơ chế hình thành ngọc trai. Nữ hoàng Elizabeth I không chỉ dùng một "viên ngọc" như vậy nạm lên vương miện mà còn mặc trang phục có màu be đồng bộ với nó.

Báo nước ngoài viết về vật lạ "tiền tỉ" trong bụng heo - 2
Viên ngọc trên vương miện Nữ hoàng Elizabeth I

Tại sao thứ tầm thường như vậy lại được thần thánh hóa? Đó là một tích cũ được truyền lại từ rất lâu rằng đó là những giọt nước mắt hóa đá của nai. "Nai vô tình ăn rắn khiến chúng bị đau bụng và khóc. Những giọt nước mắt hóa thành pha lê và con người đã nhặt nhạnh chúng. Có nhiều câu chuyện về người bị ngộ độc khỏi bệnh, thậm chí phương thuốc này còn được dùng để cứu vua Charles II", Tạp chí Y tế Anh Quốc giải thích.

Theo đó, những sợi tóc hay chất có tính sừng kết hợp với khối can xi có thể hấp thu được chất độc arsen. Vì vậy người ta tin rằng bỏ chúng vào cốc có chất độc sẽ bảo vệ người uống khỏi nhiễm độc, từ đó sinh ra nhiều huyền thoại khác.

Báo nước ngoài viết về vật lạ "tiền tỉ" trong bụng heo - 3
Sỏi trong cơ thể người

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin điều đó. Một nhà giải phẫu Pháp đã thử nghiệm lên một tù nhân bị tuyên án tử bằng thuốc độc, và hòn "ngọc chữa bách bệnh" hoàn toàn vô dụng. Tới thế kỷ 17, việc dùng vật này dần bị coi là phản khoa học, vì chúng là một dạng sỏi gây hại cho nội tạng. Từ một vật thiêng liêng, "ngọc thiêng" giờ chỉ là dấu hiệu bệnh tật cần loại bỏ.

Tuy nhiên tại châu Á cũng như Việt Nam, các viên "ngọc" này vẫn còn thiêng theo cách nào đó. Cát lợn được các thầy thuốc đông y Trung Quốc coi là thuốc chữa sốt xuất huyết. Tuy nhiên vì độ hiếm có của nó, khó mà biết được liệu những viên cát lợn này có phải là đồ thật hay không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mẫn Di - Nautilus ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN