Báo nước ngoài viết về ngư dân Việt trên Biển Đông
Theo CNN, trong những năm qua, rất nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công, ngư dân thì bị đánh đập dẫn đến chấn thương.
Tàu cá đánh bắt của ngư dân tại Lý Sơn
Báo CNN vừa đăng tải một bài viết về tranh chấp Biển Đông đang gây nhiều khó khăn cho ngư dân Việt Nam.
CNN phỏng vấn một ngư dân ở đảo Lý Sơn, người nói rằng ông đã liên tục gặp rắc rối khi hoạt động trên biển. Năm ngoái, một nhóm tàu giương cờ Trung Quốc đuổi theo, đe dọa tàu của ông và con trai.
“Họ lục soát thuyền của chúng tôi. Đầu tiên họ lấy cá, sau đó họ lấy các thiết bị. Nếu thích nó, họ lấy luôn, nếu không thích, họ vứt đi”, ông nói. Ông ước tính thuyền đánh bắt của ông đã 4-5 lần trở thành mục tiêu của tàu Trung Quốc trong thập kỉ qua.
Có lần, con trai của ông bị bắt giữ suốt 3 ngày, bị đánh đập dẫn tới chấn thương. “Con trai tôi phải nằm nhà 3 tháng và không thể đi làm”, người ngư dân nói với CNN.
Hàng trăm ngư dân Việt Nam đã trở thành mục tiêu của tàu Trung Quốc khi họ đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Năm 2015, CNN đưa tin đã có 200 ngư dân Lý Sơn và 17 tàu cá bị tàu Trung Quốc tấn công. Trong khi đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ không biết chuyện ngư dân Việt Nam bị đánh đập hay xua đuổi khỏi khu vực này.
Ngư dân Lý Sơn cho biết đã từng bị Trung Quốc tấn công 4-5 lần
Các nhà phân tích chính trị cho rằng khẳng định chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa đến những bên liên quan trong khu vực. Những năm qua, Trung Quốc đã có những động thái phi pháp trên Biển Đông như xây đảo nhân tạo, triển khai các tên lửa đất đối không. Tổ chức Giải pháp minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) đã kết luận dựa trên hình ảnh vệ tinh, Trung Quốc đã tạo 12 km2 đất mới.
Theo CNN, vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những nội dung chủ chốt được đề cập trong chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Obama đến Việt Nam, bắt đầu từ hôm nay 23.5.
Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương của Mỹ, Daniel R. Russel, mô tả Việt Nam là "một đối tác trong việc ủng hộ Luật Biển và các quy định pháp luật về không gian hàng hải, trong việc giải quyết một cách hòa bình những căng thẳng và tranh chấp ở Biển Đông. "
Chính quyền Obama đã nhiều lần kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, kêu gọi ngừng cải tạo hoặc quân sự hóa quần đảo ở Biển Đông.
Mỹ cũng đang hoạt động “tự do hàng hải" bằng việc tuần tra hải quân hoặc thực hiện các chuyến bay qua không phận quốc tế trên Biển Đông, dù những hoạt động này khiến Trung Quốc tức giận.