Báo nước ngoài viết về mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Finacial Times, thời báo kinh tế có tiếng của Anh đã có bài viết nhận định về mô hình chống dịch tiết kiệm chi phí nhưng rất hiệu quả của Việt Nam, trong thời điểm dịch Covid-19 đang lây lan ra toàn cầu.
Khi hầu hết 96 triệu người dân Việt Nam đang hân hoan đón Tết cổ truyền, tại một cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Phúc, đã sớm tuyên bố về cuộc chiến chống lại Covid-19.
Thời điểm đó, dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng tại Trung Quốc và ông Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo rằng dịch bệnh sẽ sớm xuất hiện ở Việt Nam.
“Chống dịch như chống giặc”, ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu hồi cuối tháng 1.
Kể từ thời điểm đó, Việt Nam đã chứng minh rằng, một quốc gia mặc dù có nguồn lực hạn chế nhưng vẫn có thể chiến thắng dịch bệnh bằng sự quyết tâm và đồng lòng của cả dân tộc.
Dư luận quốc tế đánh giá rất cao mô hình chống dịch Covid-19 tại Việt Nam (ảnh: Financial Times)
Thay vì theo đuổi mô hình xét nghiệm hàng loạt và số lượng lớn như các nước Hàn Quốc, châu Âu, Việt Nam tập trung vào việc cách ly những người nhiễm Covid-19 và giám sát những người có tiếp xúc với nguồn bệnh.
“Điều quan trọng là phải nắm bắt được số lượng người có thể đã tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc đi từ vùng dịch về, sau đó, thực hiện xét nghiệm trên những người này. Ngoài xét nghiệm, các biện pháp kiểm tra và cách ly cũng rất quan trọng”, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay.
“Việt Nam có lực lượng an ninh, quân đội đông đảo. Mô hình quản lý của chính phủ cũng rất hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai”, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) cho biết.
Cuối tuần qua, Việt Nam đã ban hành quy định cách ly bắt buộc kéo dài 14 ngày với toàn bộ người từ nước ngoài nhập cảnh và hủy các chuyến bay quốc tế.
“Chúng ta phải huy động hết khả năng mọi nguồn lực trong xã hội để chống lại bệnh dịch, quan trọng là phải xác định được ca bệnh sớm và cách ly họ”, ông Trần Đắc Phu cho hay.
Một người dân đi qua khu vực cách ly tại Hà Nội (ảnh: Reutes)
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 123 ca dương tính với Covid-19 và chưa ghi nhận ca tử vong nào. Hầu hết ca nhiễm được ghi nhận gần đây thuộc về đợt lây nhiễm thứ hai bắt nguồn từ người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Tính đến ngày 20.3, Việt Nam đã xét nghiệm cho 15.637 người, ít hơn nhiều khi so sánh với Hàn Quốc (338.000 trường hợp).
Ở một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á với nguồn lực xét nghiệm hạn chế, số ca nhiễm Covid-19 thực sự có thể cao hơn so với dữ liệu được thống kê. Tuy nhiên, phản ứng với dịch bệnh của Việt Nam tới lúc này vẫn là rất ấn tượng.
Việt Nam ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc từ ngày 1.2, các trường học lớn tại các tỉnh thành hầu hết vẫn đóng cửa từ sau Tết.
Ngày 13.2, Việt Nam là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc phong tỏa một khu vực dân cư rộng. Chính quyền đã thực hiện kiểm dịch và cách ly 21 ngày tại xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, nơi có hơn 10.000 người dân sinh sống sau khi phát hiện một số ca nhiễm người trở về từ Vũ Hán, Hồ Bắc lây lan. Phản ứng nhanh chóng của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế rất khen ngợi.
Ông Kidong Park, đại diện tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Hà Nội, đã đánh giá cao sự chủ động và nhất quán của Việt Nam trong chống dịch Covid-19.
Cách ly khu phố Trúc Bạch (ảnh: Reutes)
Sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19 một phần cũng xuất phát từ việc huy động nhân viên y tế, quân sự, mạng lưới thông tin khắp cả nước, những biện pháp mà có lẽ Mỹ và châu Âu khó thực hiện theo được.
Các phương tiện truyền thông Việt Nam liên tục phát đi những thông điệp chống dịch tới người dân. Cùng với đó, giới chức y tế cũng thể hiện sự minh bạch trong việc công khai thông tin và số liệu. Bộ Y tế Việt Nam liên tục gửi tin nhắn về cách phòng bệnh, cũng như thông tin liên quan đến Covid-19.
Một khảo sát của Nielsen, một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam cho thấy, phần lớn người Việt Nam đều có nhận thức cao về các triệu chứng của Covid-19. Những nỗ lực chống dịch của chính phủ Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân.
Việt Nam cũng ngăn chặn quyết liệt nạn “tin giả” trong dịch Covid-19. Khoảng 800 người đã bị cơ quan chức năng triệu tập và xử phạt vì chia sẻ những thông tin sai sự thật.
Phun thuốc khử trùng khu phố Trúc Bạch (ảnh: Reutes)
“Mạng lưới cung cấp thông tin ở Việt Nam cũng rất hiệu quả. Hàng xóm có thể biết thông tin người vừa từ nước ngoài trở về. Nếu như có người nhiễm bệnh trong khu vực, người dân sẽ báo cáo cho chính quyền”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viên Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, cho hay.
Trả lời câu hỏi của Financial Times, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để chống dịch.
“Cho đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam vẫn ở mức thấp và chưa có ca tử vong nào”, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi hàng triệu người Anh sống ở các thành phố lớn đang phải ở trong nhà vì Covid-19 thì việc nhiều người nghĩ tới...