Báo nước ngoài viết về cuộc sống trong khu cách ly Covid-19 tại Việt Nam
Mới đây, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) – một tờ báo có tiếng của Hồng Kông, đã có bài viết phản ánh về cuộc sống trong một cơ sở cách ly Covid-19 ở Việt Nam.
Trước khi lên đường trở về Việt Nam từ Anh tuần trước, Phuong Chinh đã nắm được thông tin rằng cô sẽ được đưa vào một cơ sở cách ly Covid-19 tập trung. Ban đầu, Phuong Chinh có chút do dự về vấn đề này, nhưng cô vẫn quyết định về nước vì cho rằng ở Việt Nam vẫn an toàn hơn.
“Tôi nghĩ rằng ở lại Anh không an toàn vì chính phủ Anh thiếu các biện pháp rõ ràng để chống dịch”, Phuong Chinh cho biết.
Phuong Chinh, 24 tuổi, là một du học sinh Việt Nam đang theo học ngành marketing ở London nói thêm rằng, bản thân từng bị phân biệt đối xử tại Anh vì là người gốc Á.
Chinh là một trong hàng nghìn người Việt Nam ở nước ngoài lên các chuyến bay về nước.
Bên ngoài một khu cách ly Covid-19 tại Việt Nam (ảnh: Reuters)
Ngày 17.3, Việt Nam đã ra thông báo rằng tất cả người đến từ Mỹ, châu Âu và các nước ASEAN đều phải cách ly trong 14 ngày khi nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là thông báo bổ sung cho quy định trước đó áp dụng cho người đến từ Trung Quốc đại lục, Iran, Italia và Hàn Quốc - những “điểm nóng” Covid-19 trên toàn cầu.
Khi Phuong Chinh trở về, quy định cách ly nói trên đã có hiệu lực.
Tính đến chiều ngày 25.3, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 134 ca nhiễm Covid-19 và chưa có người tử vong. Các ca nhiễm mới Covid-19 tại Việt Nam hầu hết đều từ người ở nước ngoài nhập cảnh. Việt Nam đang rất quyết tâm chống dịch Covid-19, đặc biệt bằng cách phát hiện sớm, cách ly những người nhiễm Covid-19 và giám sát những người có tiếp xúc với nguồn bệnh. Việt Nam coi “chống dịch như chống giặc”, theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sau khi nhập cảnh, Phuong Chinh ở trong một cơ sở cách ly ở tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp được quản lý bởi quân đội và nhân viên y tế. Chinh hiện không có triệu chứng của Covid-19 và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Một sĩ quan quân đội kiểm tra thân nhiệt cho người bên trong khu cách ly (ảnh: Knews)
Phuong Chinh miêu tả, trong phòng của cô có 6 người. Mỗi người có giường riêng và được phát miễn phí đồ vệ sinh cá nhân như khăn tắm, dầu gội, bàn chải, kem đánh răng… Mọi người được phục vụ 3 bữa ăn mỗi ngày và nước uống phát miễn phí.
“Điều kiện tại đây không thể giống như ở nhà, nhưng với tôi thế là ổn. Hôm qua, chúng tôi có hỏi các anh quân nhân rằng có thể cho ăn rau muống được không vì chúng tôi rất thèm món này. Họ đã làm món đó cho tôi trong ngày hôm ấy”, Phuong Chinh cho biết.
Một công dân Anh giấu tên cho biết, ông và vợ đã được đưa vào một cơ sở cách ly ở Thành phố Hồ Chí Minh từ hôm 20.3, sau khi nhập cảnh vào Việt Nam. Cơ sở cách ly này cũng có điều kiện giống với khu cách ly của Phuong Chinh.
“Mọi người ở đây làm việc chăm chỉ trong điều kiện rất vất vả và chúng tôi không nghĩ gì ngoài việc tôn trọng công việc mà họ đang làm”, người đàn ông cho hay.
Gavin Wheeldon, một công dân Anh chụp ảnh với 2 nhân viên y tế của Việt Nam tại cơ sở cách ly (ảnh: Gavin Wheeldon)
Một công dân Anh tên Gavin Wheeldon, 27 tuổi, đến Hà Nội hôm 14.3, cho biết, sau khi bay đến anh mới nắm được thông tin về quy định cách ly và đồng ý ở lại cách ly thay vì tìm một chuyến bay khác để rời khỏi.
“Lúc đó, tôi khá lo lắng. Tôi không biết mình sẽ đi đâu và điều gì đang chờ đợi phía trước”, Gavin Wheeldon cho biết.
Tuy nhiên, sự lo lắng đã biến mất khi anh Wheeldon bắt đầu cách ly tại một doanh trại quân sự ở Sơn Tây, Hà Nội.
Wheeldon cho biết, anh và một số người nước ngoài khác được hỗ trợ về giao tiếp từ một thông dịch viên sống trong khu cách ly. Các nhu cầu cơ bản được bảo đảm đầy đủ, Wheeldon còn được một quân nhân mua hộ thẻ và sim điện thoại.
Wheeldon đã quay lại cuộc sống trong khu cách ly và nói rằng điều đó không bị cấm.
“Nhiều nhân viên trong khu cách ly đã vẫy tay khi tôi đang quay hình. Ban đầu tôi tưởng rằng họ không khuyến khích điều đó (quay phim)”, Wheeldon cho biết.
Mọi người chơi thể thao theo nhóm trên sân trong cơ sở cách ly (ảnh: Gavin Wheeldon)
Trong đoạn video Wheeldon gửi đến kênh This Week in Asia, có thể nghe thấy tiếng loa phóng thanh rằng mọi người trong khu cách ly nên mở cửa sổ để đưa ánh sáng và không khí thoáng mát vào phòng.
“Những người ở ngoài có thể gửi đồ vào trong khu cách ly, miễn là không có tiền hoặc rượu. Nhiều người ở đó được gửi vợt cầu lông và bóng đá vì rất nhiều người trong khu cách ly thích chơi thể thao”, Wheeldon cho biết.
Wheeldon đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, tuy nhiên anh vẫn lo ngại khi ra khỏi khu cách ly vì anh không muốn vô tình phát tán nó.
“Với những người cao tuổi hay những người dễ bị tổn thương, nhiễm virus đồng nghĩa với đứng giữa sự sống và cái chết. Tôi không muốn mình trở thành lý do khiến ai đó không được gặp ông hay bà của họ lần nữa”, Wheeldon chia sẻ.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Một linh mục tại Italia nhiễm Covid-19 được người dân quyên góp tiền mua cho máy thở, tuy nhiên, ông đã nhường chiếc máy...