Báo Nhật: Dấu hiệu Nga và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác quân sự đối phó Tokyo

Sự gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc và Nga gần Nhật Bản có thể là dấu hiệu cho thấy hai nước này đang thúc đẩy hoạt động hợp tác quân sự nhằm đối phó với Tokyo, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong vấn đề Đài Loan và cuộc xung đột ở Ukraine.

Tàu khu trục Nhật Bản Takanami di chuyển cùng tàu chiến Mỹ và Úc trong một cuộc tập trận chung.

Tàu khu trục Nhật Bản Takanami di chuyển cùng tàu chiến Mỹ và Úc trong một cuộc tập trận chung.

Sau khi 5 tàu hải quân Nga tiến gần Nhật Bản vào tháng trước, 3 tàu khác cũng của Nga, gồm một tàu khu trục, một khinh hạm và một tàu hậu cần đã đi vào vùng tiếp giáp 24 hải lý quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) vào đầu tháng 7.

Một trong các tàu chiến Nga tiến vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku cung với khinh hạm Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên tàu Nga và Trung Quốc cùng xuất hiện ở khu vực kể từ tháng 6.2016, khiến Tokyo phản đối mạnh mẽ.

Chưa dừng lại ở đó, tàu tình báo Nga tiến vào khu vực ngoài khơi đảo Okinotori, vùng lãnh thổ cực nam của Nhật Bản vào ngày 6.7. Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố thông tin về hoạt động di chuyển của tàu chiến Nga trong vùng biển cách Tokyo khoảng 1.700km về phía nam.

Vài tuần qua, nhiều tàu chiến và tàu hải cảnh Trung Quốc cũng liên tục tiến vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku. Ở trên bầu trời, các máy bay Nga và Trung Quốc tuần tra quân sự chung gần không phận Nhật Bản, bao gồm các máy bay ném bom chiến lược tầm xa.

Theo báo Nhật Bản Japan Times, Tokyo có lý do để lo ngại về hợp tác quân sự sâu rộng hơn giữa Nga và Trung Quốc. 

Tàu chiến Nga di chuyển gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Tàu chiến Nga di chuyển gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Nga gia tăng các hoạt động quân sự gần Nhật Bản có tác động tâm lý rõ rệt, khiến Nhật Bản phải tốn thêm nguồn lực giám sát, James Schoff, chuyên gia tại Quỹ hòa bình Sasakawa Mỹ, nói.

Theo Japan Times, Nga muốn chứng minh rằng bất chấp chiến dịch quân sự ở Ukraine, nước này vẫn có đủ năng lượng thực hiện các nhiệm vụ quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các cuộc tuần tra quân sự đóng vai trò như một lời nhắc nhở, rằng hải quân Nga và Trung Quốc đều có thể cùng hành động để gửi thông điệp tới Nhật Bản, Hugo Decis, chuyên gia hải quân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Vương quốc Anh, nói.

Hoạt động tuần tra quân sự phối hợp giữa Nga và Trung Quốc được coi là sự không hài lòng của Moscow khi Tokyo liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Nga.

Nga hành động quyết liệt hơn ở Thái Bình Dương cũng nhằm duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Bắc Kinh đến nay là đối tác có ảnh hưởng lớn nhất đối với Moscow, theo Japan Times.

Stephen Nagy, phó giáo sư Đại học Cơ đốc giáo ở Tokyo, coi các hoạt động quân sự của Nga-Trung quanh Nhật Bản là "sự thể hiện năng lực và ý định thành lập một mặt trận gắn kết hơn ở sân sau của Nhật Bản”.

“Nga hiểu việc Moscow và Bắc Kinh phối hợp răn đe là cơn ác mộng đối với Tokyo”, James D.J. Brown, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple Nhật Bản, cũng đồng tình.

Tàu chiến Trung Quốc áp sát quần đảo tranh chấp Senkaku.

Tàu chiến Trung Quốc áp sát quần đảo tranh chấp Senkaku.

Tuy nhiên, các hoạt động hải quân gần đây cũng cho thấy hạn chế trong hợp tác quân sự Nga-Trung. “Nhiều hoạt động của Nga và Trung Quốc chưa thể được coi là phối hợp chung. Họ cố gắng thực hiện tuần tra đồng thời trên biển, nhưng lại giống như đang giám sát nhau hơn”, ông Brown nói.

Các nhà phân tích nhận định, Nga đến nay vẫn kiềm chế, chưa tiến vào lãnh hải Nhật Bản ở vùng tranh chấp và không vi phạm luật pháp quốc tế. Do đó, các hoạt động của Nga chưa leo thang đến mức nguy hiểm với Nhật Bản, ông Brown nhận định.

“Đây là thách thức mới với Nhật Bản, rằng phải đối phó ra sao để không khiến Nga và Trung Quốc càng xích lại  gần nhau hơn nữa”, phó giáo sư Nagy nói.

Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản tiếp tục giám sát sát sao các hoạt động quân sự của Nga gần nước này, gia tăng chi tiêu quốc phòng để thúc đẩy năng lực phòng vệ, bao gồm thúc đẩy hoạt động huấn luyện chung với Mỹ và các đồng minh.

Nhật Bản cũng có thể kêu gọi sự hiện diện quân sự thường trực hơn nữa của đồng minh trong khu vực.

Chuyên gia: Khủng hoảng Sri Lanka tác động đáng kể tới Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Sri Lanka sẽ có ảnh hướng đáng kể tới mối quan hệ với Trung Quốc trong ngắn hạn và là bài học cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Japa Times ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN