Báo Nga nêu 3 câu hỏi lớn với Ukraine
Xung đột Nga – Ukraine đã bước sang tháng thứ 4 với những cuộc giao tranh khốc liệt ở phía bắc, phía nam và phía đông Ukraine, nhưng chiến trường quyết định nhất vẫn là Donbass.
Binh sĩ Ukraine trong chiến hào ở Donbass (ảnh: CNN)
“Phải thừa nhận rằng, Ukraine là đối thủ khó nhằn hơn nhiều so với dự tính ban đầu. Tuy nhiên, với những đòn tấn công Nga tung ra từ những ngày đầu của chiến dịch, hệ thống quốc phòng của Ukraine gần như bị triệt tiêu hoàn toàn”, Sergey Poletaev – chuyên gia phân tích quân sự của Tạp chí Russia in global affairs – nhận xét.
Theo báo Nga RT, trước những tổn thất quân sự, Ukraine đã xây dựng hệ thống tuyên truyền quân sự khá hiệu quả. Kiev muốn cho thế giới thấy rằng: “Chúng tôi bị tấn công. Chúng tôi được phương Tây ủng hộ. Chúng tôi sẽ kiên trì cho đến khi chiến thắng”. Đến nay, phương Tây vẫn không ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng theo thời gian, ngày càng nhiều những điểm yếu sẽ được phơi bày.
Cùng với những chính quyền thân Nga được hình thành ở Kherson và Zaporozhye, trận chiến ở Donbass sẽ mang tính quyết định cho thắng bại trong cuộc xung đột. Giao tranh ở Donbass diễn ra không gấp gáp, những biến đổi trên chiến trường diễn ra chậm, nhưng ngày càng có lợi cho quân đội Nga, theo RT.
Khi chiến sự ở Donbass dần đi đến hồi kết, một thuật ngữ xuất hiện từ Thế chiến I được nhắc lại: Cuộc chiến tiêu hao. Trong cuộc chiến này, Ukraine liệu có thể cầm cự bao lâu?
Xác tên lửa ở Donbass (ảnh: CNN)
1. Bất lợi về lực lượng
Tại thời điểm này, tổng số quân Ukraine bị bắt giữ, thiệt mạng trong giao tranh đã lên tới hàng chục nghìn, theo RT. Đáng lưu ý, đây hầu hết là những người lính chuyên nghiệp mà Ukraine có. Trong vài tháng tới, Kiev có thể phải tung ra chiến trường nhiều binh sĩ tình nguyện, chưa qua đào tạo. Những binh sĩ này chưa thể sử dụng vũ khí thành thạo, chưa làm quen với chiến trường khốc liệt. Liệu họ có thể kháng cự bao lâu trước lực lượng thiện chiến của Nga?
2. Cạn kiệt vũ khí
Ukraine có thỏa thuận nhận nguồn vũ khí gần như vô tận từ phương Tây. Đó là lý do vì sao nhiều lãnh đạo Kiev liên tục đòi hỏi phương Tây viện trợ vũ khí khẩn cấp trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhìn vào những gì phương Tây viện trợ, dễ dàng thấy được họ vẫn ngần ngại cung cấp cho Ukraine những khẩu pháo hạng nặng chất lượng.
Xương sống của một đội quân phòng thủ, không phải là những máy bay không người lái hay xe bọc thép, tên lửa vác vai, mà là pháo binh, theo RT. Với quy mô chiến trường Donbass, Ukraine cần hàng chục nghìn lựu pháo, pháo phản lực phóng loạt, súng cối và hàng triệu viên đạn.
Ukraine quả thực đang nhận được nhiều vũ khí từ phương Tây, nhưng quân đội của họ quen với vũ khí từ thời Liên Xô – thứ mà NATO không có sẵn. Phương Tây cũng đang “đau đầu” trước yêu cầu viện trợ quân sự lớn chưa từng thấy của Ukraine. Câu hỏi là liệu phương Tây còn có thể “nuông chiều” Ukraine thêm bao lâu?
Giao tranh ở Donbass là cuộc chiến của những vũ khí tầm xa (ảnh: CNN)
3. Thiếu chiến phí
Kiev tuyên bố GDP sẽ giảm 50% trong năm nay (khoảng 100 tỷ USD). Nền kinh tế nước này đang lung lay dữ dội khi nhiều diện tích lãnh thổ bị kiểm soát, công – nông nghiệp đình trệ, nội tệ mất giá, xuất khẩu đường biển bị chặn…
Kể cả có tịch thu được toàn bộ số dự trữ ngoại tệ của Nga ở nước ngoài, Kiev vẫn không đủ tiền bù đắp cho thiệt hại kinh tế do xung đột. Giao tranh với Nga ngốn của Ukraine khoảng 1 tỷ USD/ngày, theo RT. Ukraine liệu còn có thể dốc “túi tiền” của mình thêm bao lâu.
Về phía Nga, chừng nào chiến thuật tiến chắc và pháo binh còn tỏ ra hiệu quả, quân đội nước này sẽ không dừng lại, ít nhất là ở Donbass, theo RT.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù tình thế đang bất lợi, Ukraine vẫn tiếp tục có những phát ngôn về khả năng chiến thắng và đầy lùi quân Nga. Phương Tây, mặc dù có những bất đồng, dường như vẫn tin vào khả năng kháng cự của Ukraine và vẫn tiếp tục gửi vũ khí cho nước này, với một sự cẩn trọng nhất định.
Những cuộc phản công liên tiếp ở khu vực miền nam Ukraine cho thấy Kiev quyết tâm giành lại lãnh thổ ở những khu vực chiến lược nhằm tìm đường ra biển Azov.
Nguồn: [Link nguồn]