Báo Mỹ viết về viễn cảnh xung đột ở Ukraine kéo dài nhiều năm

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga khó có thể sớm xảy ra, thậm chí có thể còn mất nhiều năm nữa mới đến giai đoạn đàm phán, báo Mỹ Politico nhận định.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Khi các nhà lãnh đạo châu Âu tụ họp ở Brussels (Bỉ) vào tuần này, có những tin đồn về việc phương Tây muốn đẩy nhanh tiến trình khôi phục đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Giá năng lượng tăng cao, dự trữ vũ khí cạn kiệt và nền kinh tế suy thoái là những lý do có thể khiến châu Âu thúc đẩy giải pháp hòa bình ở Ukraine.

Thực tế là, các thách thức trên chưa phải là vấn đề cấp thiết hàng đầu. Theo các quan chức và cựu quan chức châu Âu, chỉ khi nào xung đột rơi vào bế tắc, triển vọng đàm phán mới xuất hiện, Politico nhận định.

"Thực sự là, vào lúc này, tôi không thấy có triển vọng đàm phán nào", Alexander Schallenberg, Ngoại trưởng Áo nói trên tờ Politico. "Nhưng điều quan trọng lúc này là luôn để ngỏ các khả năng".

Theo báo Mỹ, Ukraine vẫn được phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ và vũ khí được chuyển tới đều đặn. Ở phía bên kia, Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa hề suy giảm quyết tâm hoàn thành mục tiêu của chiến dịch quân sự.

Nga và Ukraine hiện chưa huy động đủ nguồn lực để giành chiến thắng nhanh, nhưng cả hai đều nhìn thấy cơ hội giành ưu thế trong những tháng tới.

Điều đó có nghĩa là xung đột sẽ còn kéo dài, có thể được tính bằng năm và châu Âu sẽ định hình lại nền kinh tế ra sao trong khoảng thời gian này.

"Tôi dự đoán viễn cảnh có thể xảy ra nhất là cuộc xung đột sẽ ngừng lại trong bế tắc, thậm chí là đóng băng. Tôi nghi ngờ về một chiến thắng rõ ràng cho một trong hai bên", một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu nói với Politico.

Tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden để ngỏ khả năng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì nói rằng phương Tây cần cân nhắc thảo luận về cách đảm bảo an ninh cho Nga.

Bình luận về những tin đồn gần đây liên quan đến khả năng Nga và Ukraine quay trở lại đàm phán, Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda nói: "Vấn đề là các tin đồn đó không đến từ Nga hay Ukraine. Cả hai bên đều không thực sự sẵn sàng hay thể hiện các cam kết hướng tới đàm phán".

Một vấn đề khác có thể tác động đến cục diện xung đột và triển vọng đàm phán trong tương lai là vũ khí, theo Politico. Ukraine phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung vũ khí từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Do đó, xung đột Ukraine kéo dài đến lúc nào cũng liên quan đến ý chí của Nhà Trắng, theo báo Mỹ.

"Các loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đến nay phần nào khiến cuộc xung đột trở nên kéo dài. Điều quan trọng là phải đánh giá xem Ukraine cần vũ khí gì để giành chiến thắng cuối cùng", Andrea Kendall-Taylor, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ mới (CNAS), nói.

Theo môt nhà ngoại giao châu Âu giấu tên, vấn đề đang tùy thuộc vào Nga. "Nếu Nga không thể tạo ra sự khác biệt với chiến lược tập kích nhằm vào cơ sở hạ tầng hay tạo ra một chiến dịch tiến công vào mùa xuân thì đó sẽ là cơ sở để Ukraine giành chiến thắng", nhà ngoại giao giấu tên nói.

Về lâu dài, các cuộc đàm phán rồi cũng phải diễn ra — cho dù khi cả hai bên đều kiệt sức trong vài năm, hay sớm hơn nếu chiến tuyến thay đổi bất ngờ.

"Đến cuối cùng, hòa bình luôn được quyết định trên bàn đàm phán, chứ không phải trên chiến trường", Ngoại trưởng Áo Schallenberg nói trên tờ Politico.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Zelensky nêu lý do muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả Crimea

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn cuộc xung đột kết thúc hoàn toàn chứ không chỉ là tình trạng "đóng băng".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Politico ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN