Báo Mỹ: Việt Nam là “phép màu châu Á” mới sau Nhật Bản, Hàn Quốc
Việt Nam đang trở thành một hiện tượng gọi là “phép màu châu Á”, đang đi theo con đường của các quốc gia tạo nên phép màu trong quá khứ, nhưng ở thời đại hoàn toàn mới, theo New York Times.
Phố Hàng Mã ở Hà Nội hồi tháng trước. Ảnh: New York Times.
Chỉ trong vài ngày sau khi Trung Quốc thông báo ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Việt Nam huy động nguồn lực ngăn chặn sự lây lan của virus. Sử dụng các công cụ truyền thông như tin nhắn điện thoại, quảng cáo, loa phát thanh… chính phủ Việt Nam nhanh chóng xác định người lây nhiễm và các trường hợp tiếp xúc gần.
Việc cô lập các ổ dịch một cách nhanh chóng đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm 4 quốc gia có tỉ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới.
Kiểm soát nhanh chóng dịch bệnh giúp Việt Nam sớm mở cửa nền kinh tế trở lại. Các chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay.
Trong khi nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những đợt suy giảm kinh tế mạnh và phải nhờ các gói hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương. Càng ấn tượng hơn khi tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn vừa qua được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại tăng kỷ lục, bất chấp sự sụp đổ của thương mại toàn cầu.
Sự kiện đột phá giống như Việt Nam làm được là điều từ rất lâu rồi mới xảy ra. Sau Thế chiến 2, khái niệm “phép màu châu Á” lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc. Nhờ thương mại và đầu tư, Trung Quốc đã thoát nghèo và trở thành cường quốc sản xuất xuất khẩu.
Bây giờ, Việt Nam đang đi theo con đường tương tự nhưng trong thời đại hoàn toàn mới. Những điều kiện để tạo nên “phép màu” ban đầu có thể không còn nữa. Giai đoạn bùng nổ trẻ sơ sinh thời hậu chiến đã trôi qua. Thời đại toàn cầu hoá nhanh chóng, với dòng chảy thương mại và đầu tư ngày càng tăng cũng đã qua. Tăng trưởng kinh tế đang dần chậm lại trên toàn thế giới.
Trong giai đoạn bùng nổ ở quá khứ, hầu hết các quốc gia tạo ra "phép màu châu Á" đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt gần 20%, gấp đôi mức trung bình của nhiều quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình vào thời điểm đó. Trong 3 thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tương tự.
Ngay cả trong những năm 2010, khi thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16%/năm. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới tính đến hiện nay.
Trong khi các quốc gia mới nổi tập trung chi tiêu cho phúc lợi xã hội, Việt Nam đã dành nguồn lực cho xuất khẩu, xây dựng đường sá, bến cảng để đưa hàng hoá ra nước ngoài, xây dựng trường học để tạo nên lớp người lao động có trình độ cao.
Chính phủ Việt Nam cũng đã đầu tư khoảng 8% GDP mỗi năm vào các dự án xây dựng mới. Hiện nay, chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam được đánh giá cao hơn so với nhiều quốc gia ở giai đoạn phát triển tương tự.
Việt Nam là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm qua, trung bình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 6% GDP, cao nhất so với các quốc gia mới nổi khác.
Hầu hết trong số đó nhằm xây dựng các nhà máy sản xuất và cơ sở hạ tầng. Phần lớn các khoản đầu tư đến từ các quốc gia châu Á khác, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Những "phép màu cũ" đang xây dựng những điều mới.
Việt Nam cũng là điểm đến nổi bật của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ chi phí nhân công giá rẻ. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam đã tăng 5 lần so với giai đoạn cuối những năm 1980, đạt gần 3.000 USD/người, nhưng chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Đội ngũ lao động có tay nghề cao giúp Việt Nam phát triển nhanh hơn các đối thủ, để tạo ra những sản phẩm phức tạp. Năm 2015, sản phẩm công nghệ đã vượt qua hàng dệt may, trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, đồng thời chiếm phần lớn thặng dư thương mại kỷ lục trong năm 2020.
Trong giai đoạn nhiều quốc gia có xu hướng tăng cường bảo hộ thương mại, Việt Nam lại ký kết thêm hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, trong đó phải kể đến EVFTA, hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký với châu Âu.
Liệu Việt Nam có thể duy trì sự thành công này, bất chấp những thách thức như vấn đề dân số, thương mại toàn cầu suy giảm…? Câu trả lời là có thể. Trong 5 năm qua, không một quốc gia lớn nào có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn Việt Nam.
Các khoản nợ tăng nhanh là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính, kết thúc của sự tăng trưởng bền vững của các “phép màu châu Á” và Trung Quốc cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Việt nam đang là một “phép màu châu Á”.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Ruchir Sharma, trưởng nhóm chiến lược toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management, đăng tải trên tờ New York Times của Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Những nỗ lực cuối cùng để thoát khỏi container, đoạn ghi âm lời trăng trối của các nạn nhân cùng một số tình tiết...