Báo Mỹ: Việt Nam đánh bại Khmer Đỏ bằng chiến tranh chớp nhoáng
40 năm trước, Việt Nam đã mở cuộc chiến tranh chớp nhoáng chấm dứt nạn diệt chủng của Khmer Đỏ ở Campuchia, buộc lực lượng này phải rút vào rừng chiến tranh du kích.
Cường kích hạng nhẹ A-37 Dragonfly đóng vai trò quan trọng trong việc tấn công các mục tiêu Khmer Đỏ.
Theo National Interest, thời điểm Sài Gòn được giải phóng vào ngày 30.4.1975 cũng là lúc Khmer Đỏ tuyên bố nắm quyền kiểm soát thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
4 năm sau đó, Việt Nam mở cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, dùng vũ khí thu giữ được sau chiến tranh để giải phóng Campuchia khỏi ách thống trị của Khmer Đỏ.
Khmer Đỏ do Pol Pot đứng đầu áp dụng chính sách cực đoan, ép buộc tất cả người dân Campuchia ở thành thị phải trở về nông thôn sinh sống. Những người không tuân theo hoặc có những tư tưởng khác biệt đều bị sát hại.
Trong 4 năm Khmer đỏ nắm quyền, ước tính 1,5-3 triệu người Campuchia bị sát hại, trong tổng số dân khi đó là 8 triệu người. Không chỉ gây ra nỗi khiếp sợ trong nước, Khmer Đỏ còn không ngừng gây rối ở biên giới Việt Nam.
Khmer Đỏ khi đó quay sang coi Trung Quốc là đồng minh lớn nhất, vốn hỗ trợ nhiều trang thiết bị quân sự và kinh tế. Khmer Đỏ coi các vùng biên giới Việt Nam trong quá khứ thuộc về người Khmer.
Kết quả là những cuộc thảm sát người Việt ở biên giới đã khiến hàng ngàn người bỏ mạng.
Binh sĩ Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh tháng 4.1975.
Việt Nam cuối cùng quyết định tấn công một cách hạn chế vào tháng 12.1977 với nhiều sư đoàn, được yểm trở bởi không quân. Nhưng Khmer Đỏ càng phản kháng mạnh mẽ, tăng cường tìm giết người Việt Nam. Đỉnh điểm là vụ thảm sát 3.157 dân làng Việt Nam vào tháng 4.1978, trong đó chỉ có hai người sống sót.
Đến lúc này, tình hình trở nên hết sức căng thẳng. Trung Quốc muốn duy trì tầm ảnh hưởng ở Campuchia trong khi Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ từ Liên Xô.
Theo National Interest, để chuẩn bị cho chiến dịch quân sự Campuchia, Việt Nam huy động 150.000 quân từ 13 sư đoàn. Lực lượng này được yểm trợ bởi 900 xe tăng, bao gồm xe tăng T-54, xe tăng cỡ trung T-59, xe tăng lội nước Type 63 và xe pháo M41 Walker Bulldogs thu giữ của Mỹ.
Không quân tham gia vào chiến dịch quân sự ước tính có 300 máy bay, bao gồm máy bay tấn công A-37, máy bay F-5 thu giữ từ miền nam Việt Nam và các máy bay MiG-21, MiG-19. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của trực thăng tấn công Mi-24A hoàn toàn mới.
Việt Nam cũng thu hút 15.000 người Campuchia tham gia chiến dịch, và từ đây hình thành nên chính phủ mới hậu Khmer Đỏ.
Khmer Đỏ gây ra tội ác thảm sát ở Campuchia.
Ngược lại, Khme Đỏ khi đó chỉ có khoảng 70.000 quân và một số xe tăng. Không quân cũng hết sức sơ sài khi chỉ có 20 chiếc trực thăng Huey, 22 máy bay huấn luyện T-28 Trojans, 16 chiếc J-6 (MiG-19 phiên bản nhái) nhận từ Trung Quốc.
Quân đội Việt Nam bắt đầu giao tranh ở khu vực phía đông bắc Campuchia vào ngày 21.12.1978. 4 ngày sau, chiến dịch quân sự quy mô lớn được triển khai từ 3 hướng, tiến thẳng đến mục tiêu thủ đô Phnom Penh.
Lực lượng Việt Nam dùng sức ép từ không quân, đơn vị bọc thép để kìm chân đối phương rồi vượt qua chốt chặn phòng thủ, cắt đứt tuyến tiếp tế lương thực của Khmer Đỏ. Chiến lược chiến tranh chớp nhoáng như vậy đánh dấu sự sụp đổ của Khmer Đỏ ở các thành phố Kracheh, Stung Treng chỉ sau 5 ngày. Hải cảng Kampot được sử dụng làm nơi đổ bộ.
Khmer Đỏ cố gắng phản công nhưng binh sĩ quá kém cỏi, không tạo ra bước tiến trên chiến trường. Chỉ sau 2 tuần giao tranh, Pol Pot phải ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền rút vào rừng, bỏ lại thủ đô Phnom Penh.
Trực thăng Mi-24 của Việt Nam trước giờ xuất kích.
Ngày 7.1.1979, xe tăng Việt Nam tiến vào Phnom Penh, liên kết với các đặc công đã có mặt từ trước. Trận hải chiến quy mô diễn ra 9 ngày sau đó. Nhiều tàu chiến của Khmer Đỏ bị hải quân Việt Nam đánh chìm.
Phản ứng với hành động của Việt Nam, Trung Quốc đã mở cuộc chiến tranh biên giới vào ngày 17.2.1979. Đội quân thiếu kinh nghiệm chiến đấu, thiếu kỷ luật của Trung Quốc phải nhận lấy tổn thất nặng nề.
Đến cuối cùng, Trung Quốc không thể khiến Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và phải ngừng bắn một tháng sau đó.
Chiến dịch của Việt Nam đã chấm dứt ách thống trị của Khmer Đỏ. Tuy vậy, Pol Pot và các binh sĩ dưới quyền vẫn cố gắng chiến tranh du kích suốt một thời gian dài sau đó.
Chiến tranh chính thức chấm dứt vào những năm 1990, khi những lực lượng cuối cùng của Việt Nam rút khỏi Campuchia. Khmer Đỏ tan rã và lực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đến tiếp quản.
Ngày nay, Campuchia dưới thời Thủ tướng Hun Sen duy trì mối quan hệ gắn bó với Việt Nam và không quên những gì mà người Việt Nam đã làm để đưa Campuchia thoát khỏi chế độ Pol Pot.
Hai đặc công Việt Nam bí mật xâm nhập vào cảng Sài Gòn, mỗi người mang theo 40kg thuốc nổ và các bộ phận cần thiết...