Báo Mỹ: Rời cuộc đua tranh cử, ông Biden nhận ra bạn bè còn đáng ngại hơn đối thủ

Xuyên suốt lịch sử Mỹ và trong thời gian làm chính trị dài 52 năm của cá nhân Tổng thống Joe Biden, các tổng thống Mỹ không bao giờ rời nhiệm sở hoặc từ bỏ cuộc đua tranh cử một cách tự nguyện.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dừng tranh cử sau khi bị lãnh đạo đảng Dân chủ và các nhân vật gần gũi nhất quay lưng. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden dừng tranh cử sau khi bị lãnh đạo đảng Dân chủ và các nhân vật gần gũi nhất quay lưng. Ảnh: AFP

Trong những trường hợp hiếm hoi xảy ra ngoài ý muốn, không phải đối thủ buộc các tổng thống Mỹ phải tự nguyện từ bỏ mà chính là tác động từ "bạn bè và đồng minh trong nội bộ đảng", tổng biên tập tờ Politico (Mỹ), John Harris viết trong bài xã luận đăng ngày 21/7.

Theo ông Harris, đó là những gì xảy ra với ông Biden vào mùa hè năm nay. 24 ngày sau cuộc tranh luận thiếu thuyết phục trên sóng trực tiếp, ông Biden đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ trong nội bộ đảng bằng các bài phát biểu, các cuộc phỏng vấn và những lời kêu gọi cá nhân.

Nhưng khi cách ly tại quê nhà vì dương tính với Covid-19, ông Biden nhận ra đã quá muộn để có thể đảo ngược tình hình. Các lãnh đạo và nhân vật có ảnh hưởng trong đảng Dân chủ đã đi đến kết luận về tương lai bầu cử của ông Biden.

Ông Biden, 81 tuổi, không phải là chưa từng chứng kiến trường hợp gần tương tự. Ở tuổi 31, ông Biden với tư cách là thượng nghị sĩ, chứng kiến Tổng thống khi đó là Richard M. Nixon có bài phát biểu trước toàn quốc. 

Tháng 8/1974, ông Nixon đọc thông điệp từ chức sau vụ bê bối Watergate, nêu lý do nằm ở việc bị các đồng minh quay lưng. "Trong vài ngày qua, tôi nhận thấy rõ ràng rằng tôi không còn sự ủng hộ chính trị từ các đồng minh trong Quốc hội để tiếp tục nắm quyền", ông Nixon nói.

Ông Nixon là thành viên đảng Cộng hòa. Ông được thượng nghị sĩ Barry Goldwater, người đại diện các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội, đưa ra tối hậu thư: "Thưa ngài Tổng thống, điều này không dễ chịu chút nào, nhưng tôi muốn ngài nắm được tình hình và điều này không hề tốt,” Goldwater nói, ám chỉ ông Nixon nên từ chức.

Trong thông điệp dừng tranh cử hôm 21/7, ông Biden không nêu rõ sức ép từ phe Dân chủ, đặc biệt là từ các nhân vật có ảnh hưởng nhất như cựu Tổng thống Barack Obama, lãnh đạo Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer và cựu lãnh đạo Dân chủ ở Hạ viện Nancy Pelosi.

Giống như ông Nixon, quyết định mà ông Biden đưa ra được coi là điều không thể tránh khỏi dù giới truyền thông có thể coi đây là điều bất ngờ. Khác với ông Nixon, người vướng phải bê bối và ra đi trong sự hổ thẹn, ông Biden sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị trong 6 tháng tới với sự tôn trọng cao nhất, cả ở Mỹ và trên trường quốc tế.

Một ví dụ khác mà ông Biden từng biết là trường hợp của cựu Tổng thống Lyndon B. Johnson vào tháng 3/1968. Ông Johnson khi đó là ứng viên đảng Dân chủ nhưng đưa ra quyết định không tiếp tục tranh cử.

Ông Johnson rút lui trước làn sóng phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam gia tăng và bị hai thượng nghị sĩ cùng đảng là Eugene McCarthy và Robert F. Kennedy gây sức ép mạnh mẽ.

Giống như ông Biden, ông Johnson khi đó hiểu sự ủng hộ trong đảng đối với mình đã giảm mạnh. Ông Johnson đi đến kết luận rằng ngay cả khi vẫn có thể ứng cử, ông chỉ khiến đảng Dân chủ đánh mất uy tín và sự ủng hộ.

Trong bài phát biểu cuối cùng, ông Johnson chủ yếu nói về những diễn biến mới nhất ở Việt Nam. Sau đó, ông đột ngột chuyển đề tài: "Với những người con của nước Mỹ ở những chiến trường xa xôi, với tương lai của nước Mỹ đang bị thách thức ngay tại quê nhà, với hi vọng của chúng ta và hi vọng của thế giới về hòa bình đang bị đe dọa từng ngày, tôi nghĩ rằng mình nên dành toàn bộ thời gian còn lại để tập trung vào nhiệm kỳ tổng thống. Tôi sẽ không nhận đề cử để tiếp tục tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa".

Theo tổng biên tập tờ Politico John Harris, có dấu hiệu cho thấy ông Biden và gia đình có sự phẫn nộ đáng kể với các lãnh đạo đảng Dân chủ vì đã ép buộc ông dừng tranh cử, bao gồm cả sức ép từ cựu Tổng thống Barack Obama. Đó là vì hầu hết các tổng thống Mỹ đều sẽ cố gắng nắm quyền thêm một nhiệm kỳ.

Nhìn vào lịch sử, không nhiều tổng thống dễ dàng giải phóng bản thân khỏi quyền lực và đặc quyền của chức vụ. Người cuối cùng làm được điều đó — thực hiện lời hứa chỉ phục vụ một nhiệm kỳ — là James K. Polk, người được bầu vào năm 1844 và không tái tranh cử vào năm 1848.

Hiện tại, đảng Dân chủ vẫn hi vọng vào khả năng ứng viên khác (rất có thể là Phó Tổng thống Kamala Harris) có thể đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.

Nếu không, lịch sử sẽ lặp lại. Ông Biden sẽ giống với Tổng thống Mỹ thứ 23 Benjamin Harrison, người từng đánh bại đối thủ Grover Cleveland. Trong cuộc bầu cử 4 năm sau, ông Cleveland đánh bại một ứng viên Dân chủ khác để tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Nguồn: [Link nguồn]

“Còn rất nhiều việc phải làm và như Tổng thống Biden nói, ‘không có gì mà nước Mỹ không thể làm - khi chúng ta làm cùng nhau’”, Chánh văn phòng Nhà Trắng Jeff Zients viết cho toàn bộ đội ngũ Nhà Trắng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ dừng tái tranh cử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Politico ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN