Báo Mỹ phơi bày điểm hạn chế của Washington khi chịu sức ép leo thang xung đột ở Ukraine
Với việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga một cách giới hạn, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chỉ đưa ra chính sách một cách thụ động, chủ yếu nhằm phản ứng các động thái quân sự của Nga chứ không nhằm tạo đột phá để kết thúc xung đột, báo Mỹ Washington Post nhận định.
Thị trấn Vovchansk, vùng Donetsk đang trở thành "Avdiivka thứ hai" khi bị hủy hoại nặng nề trong xung đột.
Theo Washington Post, quyết định của Mỹ đánh dấu một bước ngoặt khác trong vòng xoáy ăn miếng trả miếng trong xung đột ở Ukraine, làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng mà không giúp đưa ra giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ, dưới sức ép của Ukraine và các đồng minh phương Tây, buộc phải đưa ra sự thay đổi trong chính sách. Trước đây, các vũ khí như tên lửa HIMARS, xe tăng Abrams, bom chùm, tên lửa đạn đạo ATACMS và chiến đấu cơ F-16 đều được Mỹ đồng ý cung cấp sau khi Nga liên tiếp đạt bước tiến mới trên chiến trường.
Washington Post nhận định, cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu gần biên giới trong lãnh thổ Nga có thể giúp làm chậm chiến dịch của Moscow ở vùng Kharkiv, nhưng không phải là yếu tố "thay đổi cuộc chơi".
Nga từ lâu đã không đặt nặng mục tiêu đánh nhanh trong xung đột mà tiến công chậm chắc cho đến khi đẩy lùi hoàn toàn quân đội Ukraine khỏi các khu vực giao tranh. Một ví dụ diển hình là những gì xảy ra ở Avdiivka đang lặp lại ở thị trấn Vovchansk, vùng Kharkiv.
Báo Mỹ nhận định, Nga sẽ thích ứng với các cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine bằng vũ khí Mỹ, giống như cách Moscow thích ứng với các động thái hỗ trợ mạnh hơn của Washington đối với Kiev
Ở các khu vực miền đông và miền nam Ukraine và ở bán đảo Crimea, Ukraine vẫn đang sử dụng vũ khí Mỹ để gây tổn thất cho Nga nhưng không đạt được bất cứ bước tiến nào cụ thể, báo Mỹ lưu ý.
Nga về cơ bản vẫn đang ở thế thắng trong xung đột nên khó có khả năng Moscow sẽ có phản ứng vượt khỏi giới hạn xung đột ở Ukraine, ví dụ như tấn công các mục tiêu của Mỹ và các đồng minh NATO ở châu Âu. Nhìn chung, Nga có thể sẽ có động thái đáp trả, nhưng có khả năng sẽ là phản ứng theo cách gián tiếp hoặc phi đối xứng,
Vấn đề đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện nay là Mỹ không đề ra chiến lược mang tính bước ngoặt ở Ukraine mà chỉ phản ứng dựa trên các động thái quân sự của Nga.
Báo Mỹ dự đoán, Nga vẫn sẽ tiếp tục tiến công, đạt thêm bước tiến trong 3 hay 6 tháng tới. Khi đó, Mỹ lại bị Ukraine và các đồng minh phương Tây gây sức ép để đưa ra thay đổi trong chính sách mà những thay đổi này thực tế vẫn không giúp xung đột đảo chiều.
Phát biểu ngày 3/6, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, John Kirby nói "chúng tôi vẫn sẽ xem xét những gì mà Ukraine cảm thấy cần thiết".
"Chúng tôi sẽ thay đổi chính sách hỗ trợ Ukraine khi sự thay đổi trên chiến trường cho thấy cần phải làm như vậy", ông Kirby nói, ám chỉ việc Mỹ vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS để tấn công lãnh thổ Nga.
Những sự thích ứng và điều chỉnh như vậy không giúp cấu thành chiến lược và việc Mỹ leo thang phản ứng ở Ukraine, nếu không có chiến lược cụ thể, thì không phải là chính sách hợp lý, theo Washington Post.
Mỹ nên thay đổi chính sách quân sự để dồn ép đối phương chứ không phải chỉ phản ứng với các động thái mới của đối phương, báo Mỹ bình luận, ám chỉ Nga vẫn đang là bên nắm thế chủ động trong xung đột.
Washington Post trích một câu nói của Thomas Schelling, giáo sư kinh tế tại Harvard: "Nếu nỗi đau của đối phương là niềm vui lớn nhất của chúng ta và đó là điều chúng ta thỏa mãn thì chúng ta sẽ chỉ càng gây thêm thất vọng".
Cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua ở Ukraine đang diễn ra như vậy. Mỹ và các đồng minh phương Tây đưa ra các chính sách hỗ trợ Ukraine chỉ nhằm khiến Nga hứng chịu mất mát và tổn thất. Nhưng nếu không có đột phá, cuộc xung đột sẽ có thể còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Tình trạng này tiếp diễn đến một mức nào đó có thể khiến xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát và đó là điều chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn luôn cố gắng tránh.
Hôm 2/6, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng John Kirby cho biết, Tổng thống Joe Biden không muốn tình trạng đối đầu với Nga về Ukraine dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Nhìn chung, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần có một chiến lược tốt hơn để hướng tới chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine - cuộc xung đột đang gây ra những hệ quả sâu rộng, Washington Post kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Truyền thông Ukraine hôm 3/6 đăng hình ảnh một bệ phóng tên lửa phòng không S-400 bị phá hủy ở vùng Belgorod của Nga.