Báo Mỹ phân tích lý do học sinh VN học giỏi "hơn người"
Một trong những lý do là sự khác biệt về văn hóa, theo Business Insider.
Học sinh Việt Nam có thành tích tốt hơn nhiều nước đang phát triển (Ảnh: Reuters)
Theo báo Business Insider của Mỹ, Việt Nam là một trong những đất nước kì lạ nhất về giáo dục: cơ bản đây là một đất nước có mức thu nhập thấp, nhưng học sinh lại có thành tích tốt tương đương với học sinh ở các nước giàu xét trên các bài kiểm tra quốc tế.
Có một mối quan hệ rõ ràng về sự phát triển kinh tế của một quốc gia và trình độ của học sinh nước đó. Tuy nhiên học sinh ở Việt Nam, với thu nhập bình quân đầu người (GDP) chỉ bằng một phần nhỏ so với Mỹ, lại có kết quả tốt hơn mong đợi, và không ai biết thực sự nguyên nhân là gì.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 2 bài kiểm tra so sánh quốc tế để hiểu hơn về “hiệu ứng Việt Nam”, cách gọi của báo Business Insider. Một trong số đó là bài kiểm tra TIMMS, trong đó học sinh Việt Nam hầu như vượt tất cả các học sinh ở các quốc gia có GDP tương tự.
Bài kiểm tra quốc tế TIMMS cho thấy Việt Nam vượt Peru và Ấn Độ về thành tích học tập
Một báo cáo năm 2014 của Abhijeet Singh, nghiên cứu kết quả TIMMS, cho thấy lợi thế của học sinh Việt Nam bắt đầu từ rất sớm. Trẻ em Việt Nam lúc 5 tuổi chỉ hơn các nước đang phát triển khác một chút, nhưng khoảng cách này ngày càng tăng khi các em lớn lên.
Báo cáo cho thấy một năm tiểu học ở Việt Nam hiệu quả hơn rất nhiều so với một năm ở Peru hay Ấn Độ.
Mới đây, một số liệu khác vừa được công bố bởi Ngân hàng thế giới cũng cố gắng trả lời câu hỏi tại sao học sinh Việt Nam lại có kết quả tốt như vậy. Hai nhà nghiên cứu Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik đã xem xét PISA, viết tắt của Programme for International Student Assessment (tạm dịch: Chương trình đánh giá học sinh quốc tế), sử dụng điểm số của học sinh tính từ năm 2012.
Bài kiểm tra PISA cho thấy học sinh Việt Nam giỏi tương đương Phần Lan và Thụy Sĩ
7 nước đang phát triển, Việt Nam và nhiều quốc gia phát triển khác đã tham gia vào chương trình đánh giá PISA. Với mức thu nhập bình quân đầu người 4.098 USD/năm, Việt Nam là nước có GDP thấp nhất trong tất cả các quốc gia tham gia. Thế nhưng, Việt Nam lại có điểm số cao hơn so với các nước đang phát triển.
Cụ thể, học sinh Việt Nam có điểm số tương đương với Phần Lan hay Thụy Sĩ, và vượt Colombia và Peru.
Với môn toán, Việt Nam hơn hẳn các nước khác. Số điểm mà học sinh Việt Nam đạt được cao hơn trung bình của 7 quốc gia còn lại.
Các nhà nghiên cứu của Ngân hàng thế giới đã sử dụng dữ liệu của PISA, bao gồm thông tin về lý lịch của học sinh, kinh nghiệm học tập và hệ thống trường học, để tìm hiểu xem tại sao Việt Nam lại giúp học sinh của họ học tập tốt hơn hoặc tương đương nước giàu. Họ tìm ra rằng sự đầu tư về giáo dục và sự khác biệt về văn hóa chiếm một nửa nguyên nhân của sự thành công "khó lý giải" này.
Học sinh Việt Nam đặc biệt vượt trội ở môn toán (Ảnh: TẤN THẠNH/ NLĐ)
Có rất nhiều sự khác biệt về văn hóa đã ảnh hưởng đến tính cách của học sinh Việt Nam. Nhìn chung, họ thường tập trung hơn và làm bài tập nghiêm túc hơn. Họ ít khi đi học muộn, và ít nghỉ học, bỏ học. Họ sinh Việt Nam thường dành nhiều thời gian học thêm hơn các nước khác. Đồng thời, học sinh Việt Nam cũng ít lo lắng về môn toán hơn, tự tin rằng họ sẽ sử dụng các kiến thức này trong tương lai.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh ở Việt Nam thường tham gia vào việc học tập của con cái nhiều hơn, và giúp gây quỹ tại trường học. Về cấu trúc, hệ thống giáo dục ở Việt Nam tập trung hơn. Giáo viên ít khi tự quản lý, vì thế mà họ được giám sát nhiều hơn. Và người Việt Nam coi trọng thành tích của học sinh hơn tại các quốc gia đang phát triển khác.
Học sinh Việt Nam thường tập trung và làm bài tập nghiêm túc hơn (Ảnh: TẤN THẠNH/ NLĐ)
Tuy nhiên, quan trọng là, Việt Nam dường như đầu tư vào giáo dục nhiều hơn những nước đang phát triển khác, đặc biệt khi xem xét tới con số GDP thấp, Business Insider nhận định. Việt Nam có mức độ phát triển kinh tế thấp hơn các quốc gia khác, không phải phụ huynh nào cũng được giáo dục, nhưng điều này không ngăn cản học sinh Việt “vượt trội”.
Mặc những bất lợi về kinh tế, chất lượng của cơ sở hạ tầng trường học ở Việt Nam cũng tốt hơn. Và mặc dù có ít máy tính hơn, chúng đều được kết nối internet, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là dấu hiệu của sự gia tăng đầu tư của Việt Nam tại các trường học. Dường như tại đây, trẻ em cũng được tiếp cận với giáo dục sớm hơn, khi học sinh Việt Nam đi học mẫu giáo nhiều hơn các nước khác.
Tất nhiên, những yếu tố này chỉ chiếm một nửa nguyên nhân tại sao lại có khoảng cách thành tích giữa Việt Nam và các nước khác. Phần còn lại của “hiệu ứng Việt Nam” vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng kết quả này sẽ rất có ích cho các nghiên cứu về giáo dục và kinh tế. Nó giúp tìm ra cách làm thế nào để một quốc gia tương đối nghèo có thể học tập tốt như những nước giàu.