Báo Mỹ: Ông Biden có quyền gửi cho Ukraine hơn 4 triệu đạn pháo, không cần qua Quốc hội
Chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden có thể gửi tới Ukraine thứ mà các lữ đoàn chiến đấu ở tiền tuyến cần nhất. Đó là đạn pháo và việc chuyển giao không bị ràng buộc bởi ngân sách do Quốc hội phê duyệt, tạp chí Forbes của Mỹ cho biết.
Đạn pháo tiêu chuẩn NATO do quân đội Ukraine sử dụng.
Cuộc xung đột ở Ukraine sắp bước sang năm thứ ba trong khi Quốc hội Mỹ vẫn chưa đạt thỏa thuận để phê duyệt thêm ngân sách hỗ trợ Ukraine.
Hôm 15/2, Nhà Trắng nói việc quân đội Ukraine thiếu đạn dược là nguyên nhân khiến Kiev sắp thất thủ ở thị trấn Avdiivka, vùng Donetsk.
6 tháng trước, Ukraine có thể bắn tới 6.000 quả đạn pháo/ngày, thậm chí ở một số khu vực tiền tuyến có thể bắn pháo tương đương mức độ của Nga. Hiện nay, Ukraine đang phải tiết kiệm đạn dược vì nguồn cung hạn chế. Ước tính trên toàn tiền tuyến, Ukraine bắn khoảng 2.000 quả đạn pháo ngày.. Trong khi đó, Nga vẫn đang duy trì hỏa lực áp đảo với khả năng bắn 10.000 quả đạn pháo/ngày.
Theo Forbes, trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần và ảnh hưởng sâu rộng của cựu Tổng thống Donald Trump, khó có khả năng ông Biden sẽ được Quốc hội cấp đầy đủ ngân sách như đề xuất 60 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Biden không thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Tổng thống Mỹ có quyền bán vũ khí, đạn dược với giá chiết khấu, thậm chí cho không đồng minh và đối tác, miễn là quân đội Mỹ xác nhận loại vũ khí đó dư thừa hoặc không còn được sử dụng, Forbes cho biết.
Mức giới hạn chuyển giao vũ khí dư thừa theo hình thức này là 500 triệu USD/năm. Nhưng luật không quy định mức giá tối thiểu nên tổng thống hoàn toàn có thể định giá các "vũ khí dư thừa" ở mức 0 đô la, nghĩa là chuyển giao miễn phí.
Về mặt pháp lý, ông Biden hoàn toàn có thể sử dụng quyền hạn để cung cấp vũ khí theo cách này cho Ukraine, Forbes cho biết. Quân đội Mỹ thường không dư thừa đạn pháo do ràng buộc với các đơn vị sản xuất nhưng có một ngoại lệ.
Đó là hơn 4 triệu quả đạn pháo cỡ 155mm chứa các loại đạn con M42 và M46, hay còn gọi là đạn chùm (DPICM). Mỗi quả đạn pháo loại này chứa khoảng 88 hoặc 72 đạn con có kích thước tương đương lựu đạn.
Tất cả những quả đạn pháo này đã được quân đội Mỹ liệt vào danh sách "dư thừa", được sản xuất trong giai đoạn những năm 1970 - 1990. Chúng không còn được sử dụng do Mỹ đã áp đặt tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với đạn chùm.
Theo báo cáo năm 2004, Mỹ có 4,6 triệu quả đạn pháo cỡ 155mm mang đạn chùm, với tổng số khoảng 402 triệu quả đạn con. Đạn chùm dạng này đã được Mỹ cung cấp lần đầu cho Ukraine vào tháng 7/2023.
Theo Forbes, ông Biden có thể đưa đạn pháo DPICM vào danh sách chuyển giao miễn phí cho Ukraine mà không bị ràng buộc bởi ngân sách do Quốc hội duyệt chi.
Với khoảng 4,6 triệu quả đạn pháo loại này, Ukraine có thể sử dụng trong nhiều năm. Để tiết kiệm chi phí vận chuyển và tránh những rắc rối liên quan, ông Biden có thể yêu cầu quân đội vận chuyển đạn pháo DPICM từ kho dự trữ ở Mỹ tới Đức trước khi công bố chuyển giao miễn phí.
Quân đội Mỹ sau đó có thể vận chuyển đạn pháo tới một khu vực mà phía Ukraine không gặp khó khăn để tiếp nhận.
Forbes nhận định, không rõ lý do vì sao ông Biden chưa áp dụng cách này. Có khả năng ông Biden vẫn muốn chờ Quốc hội duyệt chi ngân sách hỗ trợ Ukraine trị giá 60 tỷ USD.
Nhưng nếu không còn giải pháp nào khả dĩ hơn, ông Biden có thể sẽ phải tính đến việc cung cấp cho Ukraine các vũ khí dư thừa trong kho dự trữ của Mỹ, Forbes kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Với việc Nga sắp có thể kiểm soát hoàn toàn thị trấn Avdiivka ở vùng Donetsk, Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội cung cấp thêm vũ khí, đạn dược cho Ukraine.