Báo Mỹ nhận định vụ xe tăng M1 Abrams đầu tiên "bị Nga phá hủy" ở Ukraine
Việc một xe tăng chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất được cho là bị phá hủy khi vừa xuất hiện ở tiền tuyến tại Ukraine đã thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Xe tăng M1 Abrams đầu tiên được cho là bị phá hủy ở Ukraine.
Theo tạp chí National Interest của Mỹ, việc xe tăng M1 Abrams bị phá hủy có thể phản ánh sự thay đổi trong môi trường chiến tranh hiện đại, trong đó các vũ khí giá rẻ như máy bay không người lái (UAV) tự sát hay vũ khí chống tăng cầm tay có thể dễ dàng vô hiệu hóa những cỗ máy bọc thép tinh vi nhất.
Vladimir Saldo, lãnh đạo vùng Kherson do Nga bổ nhiệm, nói Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới số 15 là lực lượng đã phá hủy xe tăng Abrams gần thị trấn Avdiivka. Theo ông Saldo, chiếc Abrams bị UAV trinh sát Nga phát hiện và ngay trong lần tham gia chiến đấu đầu tiên, nó đã bị Nga vô hiệu hóa, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin.
Trang The Drive đã liên hệ Lầu Năm Góc nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối xác nhận hay phủ nhận thông tin xe tăng Abrams đầu tiên bị phá hủy trong chiến đấu ở Ukraine.
Theo nguồn tin của Nga, chiếc M1 Abrams bị UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) đánh trúng, sau đó trúng ít nhất một quả đạn từ súng phóng lựu chống tăng dẫn đến bốc cháy dữ dội và kho đạn bên trong xe tăng phát nổ.
Theo nhận định của tạp chí Mỹ, xe tăng M1 Abrams là khí tài tinh vi và phức tạp nhất được Washington cung cấp cho Ukraine tính đến nay. Do đây là vũ khí Mỹ sản xuất nên danh tiếng các xe tăng này có phần bị thổi phồng, giống như xe tăng Challenger 2 của Anh và Leopard 2 của Đức.
M1 Abrams được coi là một trong những mẫu xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay. Nhưng các xe tăng này không phải là vũ khí bất khả chiến bại, theo tạp chí Mỹ.
Thực tế là ở thời điểm xe tăng M1 Abrams xuất hiện, nhà sản xuất ở Mỹ chưa từng tính đến khả năng bị UAV tự sát giá rẻ tấn công. Do đó, các vũ khí được thiết kế để diệt xe tăng sau này như tên lửa vác vai và UAV tự sát đã vượt trội hoàn toàn so với khả năng phòng vệ của xe tăng.
Không có xe tăng nào hiện nay, kể cả xe tăng Abrams, có thể sống sót trước đòn tấn công từ UAV tự sát hoặc tên lửa chống tăng của đối phương, tạp chí Mỹ nhận định.
Một chiếc M1 Abrams di chuyển đơn độc bị UAV trinh sát Nga phát hiện ở tiền tuyến.
Theo tạp chí National Interest, đây chắc chắn không phải là xe tăng M1 Abrams cuối cùng bị phá hủy trong xung đột ở Ukraine. Nhưng mẫu xe tăng này vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine xây dựng tuyến phòng thủ trong các cuộc tiến công lớn hơn của Nga trong năm nay.
Theo nhận định của tạp chí Mỹ, xe tăng M1 Abrams về cơ bản vẫn giúp Ukraine chiếm ưu thế so với các mẫu xe tăng đời cũ như T-72 hay T-80 mà Nga tung vào chiến trường. Sau tổn thất hôm 26/2, Ukraine vẫn còn 30 xe tăng M1 Abrams.
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin, ở mặt trận vùng Donetsk, quân đội Ukraine tung vào chiến trường 3 - 4 xe tăng M1 Abrams. "Ukraine ban đầu muốn giữ các xe tăng này ở hậu phương nhưng buộc phải sớm tung vào chiến đấu trước sức ép lớn của Nga ở măt trận", một chuyên gia quân sự Nga nói trên RIA Novosti.
Theo RIA Novosti, phiên bản M1A1 Abrams mà Mỹ cung cấp cho Ukraine bị cắt giảm lớp giáp uranium nghèo và hệ thống liên lạc không được mã hóa. Ngoài ra, các xe tăng này cũng không được gia cố phần giáp trên nóc xe và không có thiết bị đối phó UAV.
"Đây là mục tiêu dễ dàng đối với các lực lượng Nga ở tiền tuyến", chuyên gia này cho biết.
Năm ngoái, Nga cũng đã phá hủy nhiều xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất hay Challenger 2 do Anh sản xuất. Ngược lại, các mẫu xe tăng này không tạo ra dấu ấn đáng kể trong xung đột.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams đầu tiên do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã bị phá hủy trong xung đột, theo RT.
Nguồn: [Link nguồn]