Báo Mỹ: Kịch bản Trung Quốc có thể thu hồi đảo Đài Loan mà không tốn một viên đạn

Trung Quốc có thể áp dụng chiến thuật cô lập đảo Đài Loan (Trung Quốc), làm tê liệt nền kinh tế của hòn đảo và thu hồi hòn đảo mà không cần phải tốn một viên đạn, báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Mỹ, gần đây công bố.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tuần tra gần đảo Bành Giai, đảo nhỏ ở phía bắc đảo Đài Loan.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tuần tra gần đảo Bành Giai, đảo nhỏ ở phía bắc đảo Đài Loan.

Theo CNN, các nhà phân tích từ lâu đã đề cập tới hai khả năng Trung Quốc thu hồi đảo Đài Loan. Đó là giải pháp tấn công tổng lực hoặc bao vây quân sự.

Nhưng trong báo cáo mới, CSIS nêu giải pháp thứ ba mà điều này có thể khiến Mỹ và phương Tây gặp khó khăn hơn trong việc hỗ trợ đảo Đài Loan. Đó là giải pháp cô lập hay cách ly trên biển.

Theo CSIS, Trung Quốc có thể sử dụng chiến thuật "vùng xám", huy động lực lượng cảnh sát biển và dân quân để cô lập một phần hoặc toàn diện đảo Đài Loan.

Điều này có nghĩa là các tàu thương mại sẽ bị cản trở khi tới đảo Đài Loan. Các nguồn cung cấp thiết yếu như năng lượng và thực phẩm cũng bị hạn chế, CSIS cho biết.

Đối với chiến thuật này, quân đội Trung Quốc sẽ chỉ đóng vai trò hậu cần và hỗ trợ, không can thiệp một cách trực tiếp, các chuyên gia của CSIS nhận định.

“Trung Quốc đã gia tăng đáng kể áp lực lên đảo Đài Loan trong những năm gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng căng thẳng có thể bùng phát thành xung đột trực tiếp. Nhưng Bắc Kinh còn có các lựa chọn khác ngoài xung đột quân sự”, báo cáo cho biết.

CSIS nhận định, chiến thuật này nếu được Trung Quốc áp dụng sẽ khiến Mỹ và phương Tây khó can thiệp hơn vì Washington trước đây chỉ tập trung đối phó mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan.

Cô lập khác với phong tỏa ở chỗ các lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc chỉ kiểm tra, áp đặt rào cản chứ không cấm tàu thuyền tới đảo Đài Loan.

“Cô lập mang ý nghĩa kiểm soát nhiều hơn trong khi phong tỏa thuộc phạm trù quân sự hơn”, báo cáo của CSIS nhận định. Điều có cũng có nghĩa là Mỹ không có lý do đủ mạnh để can thiệp.

Cảng biển ở thành phố Đài Trung, đảo Đài Loan.

Cảng biển ở thành phố Đài Trung, đảo Đài Loan.

Báo cáo của CSIS cho biết, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc có 150 tàu đủ khả năng vượt đại dương và 400 tàu nhỏ hơn. Trung Quốc còn có mạng lưới dân quân biển dưới hình thức tàu đánh cá.

Trong khi đó, lực lượng cảnh sát biển Đài Loan chỉ có 10 tàu đủ khả năng vượt đại dương và 160 tàu nhỏ hơn, lép vế hoàn toàn nếu Bắc Kinh áp dụng hình thức cô lập.

Trung Quốc đại lục coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời. Do đó, Bắc Kinh có thể yêu cầu các tàu thuyền nộp tờ khai hải quan trước khi cập cảng Đài Loan. Đối với những tàu không tuân thủ, Trung Quốc có các cơ chế thực thi bao gồm huy động lực lượng cảnh sát biển tiếp cận, kiểm tra tại chỗ và thẩm vấn các thành viên thủy thủ đoàn và thực hiện các biện pháp, báo cáo cho biết.

CSIS nhận định, các hành động cô lập của Trung Quốc dù hạn chế cũng sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của hòn đảo. Nhiều đối tác thương mại sẽ quay lưng với đảo Đài Loan vì không muốn bị Trung Quốc gây khó dễ trên biển.

Bên cạnh đó, hoạt động cô lập cũng có thể được mở rộng từ trên biển sang cả trên không, báo cáo của CSIS cho biết. Điều này được cho là dễ dàng hơn vì các chuyến bay qua lại giữa hòn đảo rất dễ bị kiểm soát.

Theo CNN, một số nhà phân tích nhận định, báo cáo của CSIS là có cơ sở. Nhưng vẫn chưa rõ chuyện gì xảy ra nếu Bắc Kinh áp dụng chiến thuật này.

“Duy trì lực lượng cảnh sát biển quanh đảo Đài Loan sẽ rất tốn kém, cả về nguồn lực và thời gian”, Carl Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, nói với CNN.

“Đài Loan sẽ không bị khuất phục chỉ trong 60 ngày”, ông Schuster nói. “Liệu Bắc Kinh có thể duy trì chiến thuật này trong bao lâu?”.

Theo các chuyên gia, nếu Trung Quốc thực thi chiến thuật cô lập mà vẫn không hiệu quả thì có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự. Các chuyên gia nhận định, đối với Trung Quốc, kiên nhẫn vẫn là điều quan trọng để hướng tới mục tiêu thống nhất đảo Đài Loan trong hòa bình. Căng thẳng leo thang sẽ không phải là “giải pháp hiệu quả”, theo CNN.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc ngày 20/6 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Mỹ về việc duyệt bán lô vũ khí trị giá 360 triệu USD cho đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN