Báo Mỹ: Cái giá lớn nếu Trung Quốc quyết dùng vũ lực thu hồi Đài Loan
Trong chuyến công du châu Á đầu tiên vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất với Trung Quốc, rằng Washington sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo vệ đảo Đài Loan nếu Bắc Kinh tấn công quân sự.
Trung Quốc có đủ năng lực tấn công đảo Đài Loan.
Đây là lần thứ 3 ông Biden đưa ra tuyên bố như vậy kể từ khi lên nắm quyền. Giống như hai lần trước, Nhà Trắng đều lên tiếng đính chính, khẳng định lập trường của Mỹ không thay đổi.
Nhưng nếu Trung Quốc quyết tấn công Đài Loan, Mỹ và đồng minh có thể ngăn chặn? đài CNN đặt câu hỏi.
Theo CNN, câu trả lời là không. Trung Quốc có đủ lực lượng, tên lửa, tàu chiến để tung vào chiến trường nếu thực sự quyết tâm thu hồi hòn đảo bằng vũ lực.
Trung Quốc có thể giành chiến thắng, nhưng cái giá phải trả là vô cùng lớn, đặc biệt là tổn thất về sinh mạng. Đài Loan có 24 triệu dân. Người dân chủ yếu sống tập trung ở Đài Bắc, với mật độ 9.575 người/km2, cao hơn đáng kể so với thành phố Mariupol ở Ukraine (2.690/km2).
Giao tranh trên biển
Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với khoảng 360 tàu chiến, lớn hơn Mỹ (khoảng 300 tàu). Trung Quốc cũng sở hữu một lượng lớn các tàu hải cảnh, tàu dân sự cỡ lớn có thể được sử dụng để chở quân trong thời chiến.
“Để đạt được mục triêu, quân đội Trung Quốc có thể phải huy động hàng ngàn xe tăng, pháo, xe bọc thép, bệ phóng rocket. Cả một núi trang thiết bị và lượng nhiên liệu khổng lồ cũng được huy động”, Ian Easton, chuyên gia tại Viện Dự án 2049, nói.
Một tàu khu trục tên lửa Trung Quốc.
Việc một đội quân khổng lồ vượt biển dài 177km qua eo biển Đài Loan là canh bạc chứa đầy rủi ro. “Đổ bộ lên đảo Đài Loan là cơn ác mộng với hải quân Trung Quốc”, Phillips O'Brien, giáo sư chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, nói.
Đài Loan đã tích trữ một lượng lớn tên lửa chống hạm, tương tự như tên lửa Neptune mà quân đội Ukraine tuyên bố sử dụng để tấn công soái hạm Moskva của Nga.
“Đài Loan có thể sản xuất đại trà tên lửa chống hạm và Trung Quốc không để đánh chặn tất cả các tên lửa này”, chuyên gia O’Brien nói. “Tên lửa bao giờ cũng rẻ hơn nhiều so với tàu chiến hiện đại”.
Thomas Shugart, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), nói hàng trăm tàu chiến Trung Quốc có thể bị trúng tên lửa chống hạm của Đài Loan.
Ngoài thách thức về tên lửa, Trung Quốc cũng chịu áp lực về hậu cần và phương án tác chiến đổ bộ. Theo tư duy quân sự hiện nay, bên tấn công phải áp đảo bên phòng thủ với quân số 3:1 mới có khả năng chiến thắng.
“Với 450.000 binh sĩ Đài Loan sẵn sàng bảo vệ hòn đảo, Trung Quốc sẽ phải cần tới 1,2 triệu quân để tấn công và cần hàng ngàn tàu vận chuyển”, Howard Ullman, giáo sư Đại học Hải chiến Mỹ, nói trên CNN.
Cuộc chiến trên không
Một trong những nhiệm vụ chính của quân đội Trung Quốc khi phát động tấn công Đài Loan là phải làm chủ bầu trời, theo các chuyên gia.
Trung Quốc hiện có 1.600 chiến đấu cơ, trong khi Đài Loan chỉ có 300. Nhưng thông số trên giấy tờ không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác thực tế.
Chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh trong một cuộc tập trận.
Bằng chứng là Nga không kiểm soát hoàn toàn vùng trời trong giai đoạn đầu của chiến dịch ở Ukraine. Theo CNN, Trung Quốc nhiều khả năng có thể áp dụng chiến lược “gây sốc và sợ hãi”, giống như khi Mỹ ném bom dữ dội trong cuộc chiến ở Iraq.
Đài Loan sở hữu một lượng lớn tên lửa phòng không vác vai Stinger và các hệ thống Patriot. Nước này cũng đang đầu tư vào dây chuyền sản xuất các tên lửa phòng không nội địa, dự kiến tăng gấp 3 số lượng tên lửa sản xuất kể từ mùa hè năm nay. Đây là thách thức lớn đối với tham vọng kiểm soát bầu trời của Trung Quốc ở Đài Loan.
Lợi thế của Trung Quốc là đảo Đài Loan nằm gần đại lục, do đó các chiến đấu cơ cất cánh trực tiếp từ căn cứ ở ven bờ. Trong trường hợp Mỹ đưa chiến đấu cơ can thiệp, cuộc đối đầu trên không ở Đài Loan có thể kết thúc mà không bên nào áp đảo hoàn toàn, theo đánh giá của CNAS.
Giao tranh trên đất liền
Trong kịch bản Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đổ bộ lên đảo Đài Loan, quân đội nước này vẫn phải đối mặt với khó khăn.
J-20 là một trong những tiêm kích hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay.
Đầu tiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, chỉ có 14 địa điểm đổ bộ phù hợp ở đảo Đài Loan và lực lượng phòng vệ trên đảo đã nắm rõ các vị trí này để gia cố phòng thủ.
Không chỉ phải vượt qua vùng bờ biển với lực lượng phòng thủ Đài Loan chờ sẵn, các binh sĩ Trung Quốc còn trải qua hành trình dài để tới được Đài Bắc.
Trung Quốc có thể sử dụng lính dù để tập kích bất ngờ, nhưng quy mô và năng lực chiến đấu của lính dù Trung Quốc chưa thể bằng Nga.
Ngoài ra, các binh sĩ Trung Quốc ngày nay chưa hề có kinh nghiệm chiến đấu thực tế, ngoài các cuộc tập trận giả định.
“Không ai biết chuyện sẽ xảy ra khi Trung Quốc tấn công Đài Loan, với một đội quân chưa có kinh nghiệm chiến đấu”, Bonnie Glaser, giám đốc chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ, nói.
Ở Ukraine, quân đội Nga vẫn gặp những khó khăn nhất định dù quân chính quy Nga đã được “thử lửa” trên chiến trường ở Syria và Georgia.
Nhưng Trung Quốc không phải là lực lượng duy nhất đối mặt với khó khăn này. Các binh sĩ Đài Loan cũng chưa có kinh nghiệm chiến đấu thực tế và “chưa có một sĩ quan hải quân Mỹ nào ngày nay đánh chìm một tàu chiến đối phương”, theo chuyên gia Glaser.
Thách thức ngăn Trung Quốc tấn công
Binh sĩ quân đội Trung Quốc trong một cuộc tập trận.
Chuyên gia Glaser nói khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan trong tương lai gần là không cao. “Quân đội Trung Quốc có thể rất tự tin, nhưng vẫn còn những ẩn số khó đoán”, bà Glaser nói, ví dụ như ý chí chiến đấu của người dân Đài Loan.
Theo giáo sư O’Brien, một cuộc chiến nổ ra sẽ chỉ khiến hai bên hứng chịu tổn thất lớn. Đó là điều cần được tính toán kỹ lưỡng. “Chiến tranh là lựa chọn đầy rủi ro. Đừng đánh giá thấp đối phương và cũng đừng nghĩ rằng các toan tính chiến lược đều sẽ thành công”, giáo sư O’Brien nói.
Trên thực tế, giải pháp khả dĩ nhất là Trung Quốc từng bước bao vây đảo Đài Loan, giám sát các tàu thuyền và máy bay ra vào hòn đảo, ngăn Mỹ gửi vũ khí và các thiết bị quân sự.
Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ đẩy Mỹ và Đài Loan vào thế khó khi phải tìm giải pháp đối phó, theo CNN.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 30/5, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan thông báo một phái đoàn do Thượng nghị sỹ Tammy Duckworth đã bất ngờ tới thăm Đài Bắc.