Báo động nguy cơ IS trỗi dậy
Vụ tấn công khủng bố ở Moscow làm dấy lên mối lo rằng IS có thể trỗi dậy và gây khiếp đảm cho thế giới trong thời gian tới.
Ngày 22-3, một nhóm tay nhóm vũ trang xông vào nhà hát Crocus City Hall (thị trấn Krasnogorsk, nằm ở ngoại ô Moscow, Nga) xả súng vào người dân và đốt cháy nhà hát. Vụ tấn công đẫm máu khiến 144 người chết và hơn 360 người bị thương. ISIS-K (một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan) nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Trong thông điệp trên Telegram ngày 28-3, IS ca ngợi cuộc tấn công của các tay súng khủng bố nhắm vào nhà hát ở Moscow, kêu gọi những người ủng hộ nhóm nhắm mục tiêu “quân thập tự chinh” khắp thế giới, đặc biệt ở Mỹ, châu Âu và Israel. Thực tế này cho thấy nguy cơ khủng bố IS trỗi dậy đang hiện hữu, gây bất an cho thế giới.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc, cơ quan an ninh Nga... ước tính nhóm khủng bố ISIS-K có khoảng 4.000-6.000 thành viên. |
Báo động nguy cơ IS vươn vòi ra toàn cầu
Theo đài CNN, cuộc tấn công ở Moscow tuần trước đã nhắc nhở thế giới về mối đe dọa khôn lường và tham vọng vươn vòi của IS trên toàn thế giới.
Vụ tấn công khét tiếng nhất của ISIS-K cho đến nay là vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul (Afghanistan) hồi năm 2021 khiến gần 200 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ canh gác sân bay.
Theo ông Edmund Fitton-Brown, cố vấn cấp cao của dự án Chống chủ nghĩa cực đoan (CEP, trụ sở New York, Mỹ), ISIS-K có mong muốn và có khả năng vượt ra ngoài Afghanistan và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan, Iran và Trung Á. Năm ngoái, nhóm này cũng đã đánh bom tàn khốc nhắm vào một cuộc vận động tranh cử ở huyện Bajaur (Pakistan) khiến hơn 60 người thiệt mạng.
Nhiều nhà phân tích tin rằng ISIS-K còn nhắm tới Nga, Tây Âu và thậm chí cả Mỹ. Ông Fitton-Brown (cựu điều phối viên Liên hợp quốc phụ trách các biện pháp trừng phạt và đánh giá mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố IS, Al-Qaeda và lực lượng Taliban) cảnh báo rằng tuy mối đe dọa về ISIS-K ở châu Âu chỉ mới manh nha nhóm này “đã thâm nhập vào cộng đồng người Trung Á hải ngoại, chủ yếu ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức”.
Ông Hans-Jakob Schindler, Giám đốc cấp cao của CEP, lưu ý rằng có một số nhân vật bị bắt ở Đức vì bị tình nghi đang lên kế hoạch tấn công quy mô lớn, trong đó có âm mưu tấn công quốc hội Thụy Điển nhằm trả đũa vụ đốt kinh Koran. Các nghi phạm đều có dính líu tới ISIS-K.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ - tướng Erik Kurilla gần đây cũng đánh giá rằng ISIS-K “vẫn có khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài chỉ trong vòng sáu tháng tới mà không có bất kỳ cảnh báo nào”.
Chia sẻ với tờ Newsweek, GS Amira Jadoon tại ĐH Clemson (Mỹ), người thường xuyên làm việc với chính phủ Mỹ về các vấn đề chống khủng bố, nói rằng “sự trỗi dậy của ISIS-K gần đây không phải là chuyện xảy ra trong một sớm một chiều mà đã lên kế hoạch từ vài năm nay”. Theo bà Jadoon, ISIS-K đã cật lực “nâng cao tên tuổi” bằng cách tuyên truyền, đa dạng hóa phương thức tấn công và liên kết các mối bất bình của dân chúng ở nhiều nơi với chương trình nghị sự thánh chiến toàn cầu của nhóm này.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc, cơ quan an ninh Nga... ước tính nhóm khủng bố ISIS-K có khoảng 4.000-6.000 thành viên.
Hàng loạt nước báo động an ninh
Ngay sau vụ tấn công khủng bố ở Moscow hôm 22-3, Nga khẩn trương siết chặt an ninh khắp đất nước, đặc biệt ở những khu vực đông đúc, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các sân bay.
Pháp - nước đăng cai thế vận hội năm nay đã nâng mức độ đe dọa khủng bố lên mức tối đa. Giới phân tích an ninh đã cảnh báo khả năng khủng bố sẽ nhắm các mục tiêu tiềm năng là các sự kiện quy tụ đám đông, trong đó nổi bật là Thế vận hội Paris năm nay.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal thừa nhận “mối đe dọa (khủng bố) IS là có thật, chúng tôi đang liên tục chuẩn bị cho mọi tình huống” và cho biết Paris đã điều động hàng ngàn binh sĩ tăng cường công tác chống khủng bố. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cũng cho biết 13.500 cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai bên ngoài 4.530 nhà thờ để bảo vệ dân khỏi bất kỳ “phần tử khủng bố” nào trong mùa lễ Phục sinh.
Ý cũng nâng mức cảnh báo khủng bố lên tối đa. Bộ Nội vụ Ý cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát tăng cường hoạt động giám sát ở những địa điểm đông người và mục tiêu nhạy cảm như sân bay, nhà ga, các địa điểm văn hóa và các cơ sở tôn giáo… đặc biệt trong mùa lễ Phục sinh. Ủy ban Quốc gia về trật tự và an ninh công cộng Pháp nhấn mạnh rằng lực lượng cảnh sát và tình báo Paris phải tiếp tục giám sát sâu rộng (kể cả trên Internet) nhằm xác định sớm các tình huống rủi ro có thể xảy ra trên lãnh thổ quốc gia.
Theo đài DW, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời nhằm bảo đảm an ninh trong thời gian diễn ra giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro) 2024 vào mùa hè tới. Theo bà Faeser, hoạt động kiểm soát biên giới sẽ tập trung vào mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, những kẻ cực đoan, côn đồ và các tội phạm bạo lực khác.
Ngoài ra, các nước Đan Mạch, Anh, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Bỉ... đều duy trì cảnh báo khủng bố ở mức cao và hết sức cảnh giác với mầm họa này.
Iran từng cảnh báo Nga về âm mưu khủng bố ở Moscow? Hãng tin Reuters ngày 1-4 dẫn lời các nguồn thạo tin rằng Iran đã cảnh báo Moscow về một “chiến dịch khủng bố” lớn sắp xảy ra ở Nga, vài ngày trước khi vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall xảy ra. Theo nguồn tin, “Iran thu được thông tin này khi thẩm vấn những cá nhân bị bắt liên quan vụ đánh bom chết người ở Iran”. Chính phủ Iran chưa lên tiếng về thông tin trên. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông không biết về bất kỳ cảnh báo nào từ Iran trước cuộc tấn công. Theo Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) ngày 1-4, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan đặc nhiệm Washington tạo ra một “bức tranh bóp méo” về vụ tấn công khủng bố ở Moscow và xóa bỏ mọi nghi ngờ về Ukraine. Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các nhà điều tra Moscow đã tìm thấy bằng chứng về “dấu vết của Ukraine” trong các hành động khủng bố gần đây ở Nga, gồm vụ tấn công tại nhà hát Crocus City Hall. Theo đài RT, ngày 1-4, Ủy ban Điều tra Nga (FSB) mở cuộc điều tra khả năng Ukraine và các nước phương Tây (Mỹ và đồng minh của Mỹ) có liên quan các hoạt động khủng bố trên đất Nga. Ông Nikolay Kharitonov - một trong những nghị sĩ đệ đơn yêu cầu điều tra nhấn mạnh rằng các quốc gia phương Tây “được hưởng lợi” từ vụ tấn công khủng bố vào nhà hát Crocus City Hall. |
Liên minh do Mỹ dẫn đầu cùng với các đối tác địa phương vào ngày 23-3-2019 đã chặn đứt hoạt động của nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Đây được cho là cột mốc quan trọng trong nỗ lực nhằm đảm bảo IS không thể hồi sinh. Nhưng 5 năm sau, các tay súng xông vào một nhà hát đông người ở Nga, ngay trước chiến thắng “cột mốc” đó.
Nguồn: [Link nguồn]