Báo Anh: Nga cân nhắc dùng hàng trăm tỷ USD tái thiết Ukraine
Theo 3 nguồn tin tiết lộ với Reuters, Nga có thể chấp nhận sử dụng phần lớn số tài sản bị châu Âu đóng băng trị giá 300 tỷ USD để tái thiết Ukraine, nhưng có yêu cầu riêng.
Nhiều vùng ở Ukraine bị tàn phá nặng nề do xung đột. Ảnh: Reuters
Ba nguồn tin giấu tên cho biết, dù đàm phán Mỹ - Nga mới ở giai đoạn sơ khai, Moscow đang cân nhắc đề xuất dùng phần lớn tài sản - bị châu Âu đóng băng (trị giá 300-350 tỷ USD) - để tái thiết Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình.
Một nguồn tin tiết lộ: “Nga có thể đồng ý dành 2/3 số tiền này để khôi phục Ukraine, với điều kiện có cơ chế giám sát minh bạch”. Và số còn lại sẽ được đầu tư vào các vùng do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine.
Một nguồn tin khác cho biết, mặc dù Moscow sẵn sàng sử dụng số tiền này để tái thiết Ukraine, nhưng vẫn còn quá sớm để xác định cách thức phân chia cụ thể. Đồng thời, việc bàn bạc về các công ty sẽ đảm nhận các hợp đồng tái thiết trong tương lai cũng được coi là rất quan trọng.
Nguồn tin thứ 3, thân thuộc với Điện Kremlin nhưng không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán, cho biết Nga vẫn sẽ yêu cầu dỡ băng các tài sản này như một phần của quá trình nới lỏng dần các lệnh trừng phạt.
Nhiều vùng ở miền đông Ukraine đã bị tàn phá bởi cuộc xung đột và hàng trăm ngàn binh lính thiệt mạng hoặc bị thương ở cả hai bên trong khi hàng triệu người Ukraine đã di tản đến các nước châu Âu hoặc Nga. Một năm trước, Ngân hàng Thế giới ước tính việc tái thiết và phục hồi sẽ tốn 486 tỷ USD.
Giới phân tích nhận định việc phá băng tài sản Nga phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa Mỹ và châu Âu, nơi nắm giữ phần lớn tài sản Nga. Oleg Kouzmin, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Renaissance Capital (trụ sở chính ở Nga), nhận định: “Kịch bản này quá lạc quan và khó thành hiện thực vì đòi hỏi châu Âu phải hoàn toàn ủng hộ lập trường đối thoại với Nga của Mỹ”.
Trong khi đó, nhiều quan chức phương Tây, đặc biệt tại Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lo ngại việc tịch thu tài sản Nga sẽ vấp phải rào cản pháp lý và làm suy yếu vị thế đồng euro.
Nga từng cảnh báo kế hoạch sử dụng tài sản đóng băng là “hành động cướp đoạt trắng trợn” và đang soạn dự luật cho phép tịch thu tài sản của các công ty, nhà đầu tư từ những quốc gia “không thân thiện”.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022, Mỹ cùng đồng minh đã đóng băng số tài sản của Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga, trị giá 300–350 tỷ USD, chủ yếu là trái phiếu chính phủ châu Âu, Mỹ và Anh được lưu giữ tại kho chứng khoán châu Âu. Nhóm G7 năm 2023 tuyên bố số tài sản này sẽ duy trì tình trạng đóng băng cho đến khi Nga bồi thường thiệt hại cho Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova dùng những lời lẽ gay gắt để nói về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, theo RT.
Nguồn: [Link nguồn]
-22/02/2025 00:38 AM (GMT+7)