Báo Anh: Lái xe ở Việt Nam còn "hơn cả ác mộng"
Báo Anh Economist nhận định, việc lái xe ở Việt Nam còn “hơn cả ác mộng", bởi tình hình tắc nghẽn ngày càng nghiêm trọng do số lượng ô tô gia tăng.
Cảnh tắc đường ở Việt Nam. Ảnh: Getty Images.
Theo Economist, tỷ lệ người sở hữu ô tô ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, dẫn đến những lo ngại về ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông. Số liệu năm 2015 cho biết, doanh số bán ô tô và các loại xe tải đã tăng 55%, dù vẫn còn ở mức thấp.
Trong năm nay, mức tăng được dự đoán là khoảng một phần ba. Phần lớn người mua ô tô sống tại Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố chiếm gần một nửa dân cư đô thị ở Việt Nam.
So với các nước láng giềng, mức độ tắc nghẽn ở thành phố lớn của Việt Nam ít nghiêm trọng hơn. Khoảng 40 triệu xe máy ở Việt Nam lưu thông trên phố có thể khiến người đi bộ hoảng hốt, gây náo động khi luồn lách trên những tuyến phố lớn cũng như các con hẻm nhỏ. Ô tô thì ngược lại, có thể bịt kín những tuyến đường vốn đã chật hẹp.
Chỉ có 9% diện tích đất trung tâm ở Hà Nội được sử dụng làm đường chính và phụ, so với tỷ lệ 32% ở Manhattan (Mỹ). Năm 2011, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nếu mức độ xe cộ tương đương ở Malaysia, thủ đô Việt nam có thể bị tê liệt.
Economist dẫn lời nhà nghiên cứu Arve Hansen, thuộc Trung tâm Phát triển Môi trường Na Uy cho biết, Việt Nam có một số xung đột về chính sách. Mặc dù tạo điều kiện cho ngành lắp ráp ô tô nội địa nhưng Việt Nam lại áp thuế đối với người mua xe, vì lo ngại tắc đường. Thỏa thuận với các nước Đông Nam Á có hiệu lực từ năm 2018 có thể dẫn đến làn sóng ô tô giá rẻ đổ vào Việt Nam từ Thái Lan.
Nhu cầu mua ô tô ở Việt Nam có thể vẫn còn tiếp tục gia tăng ngay cả khi đường giao thông tắc nghẽn. Nguy cơ va chạm giữa ô tô và xe máy gia tăng khiến việc đi lại ngày càng nguy hiểm hơn. Economist nhận định, người lái xe máy biết rằng không thể thoát cảnh kẹt xe thì họ thà chờ đợi trong phương tiện di chuyển có máy lạnh, còn hơn là toát mồ hôi trên xe máy.
Thời gian cần thiết để di chuyển ngày càng tăng cũng khiến cho nhiều người Việt Nam không muốn sử dụng xe buýt. Xe buýt vận hành trong giờ điểm cũng trở nên quá nóng bức và không còn phù hợp. Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng hệ thống xe buýt công cộng ở Hà Nội giảm 14% trong một năm.
Hệ thống đường sắt đô thị đang xây dựng được kỳ vọng sẽ là giải pháp giúp cải thiện tình hình. Tuyến đầu tiên trong ít nhất 6 tuyến đường sắt đô thị đang được thi công ở TP.HCM. Ngoài ra, có 2 tuyến đường sắt trên cao đang được xây dựng ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc hoàn thiện mạng lưới này vẫn còn phải mất nhiều năm.
Theo Economist, TP.HCM đang thảo luận chuyện mở rộng đường bằng cách thu hẹp vỉa hè trong khi Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thêm nhiều xe buýt với chất lượng tốt hơn.