Bangladesh "cực kỳ biến động", lực lượng an ninh được nổ súng ngay tại chỗ
Binh lính tuần tra trên những con phố vắng vẻ ở thủ đô Dhaka của Bangladesh và chính quyền ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ quan trong hai ngày.
Động thái trên diễn ra sau khi hơn 114 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ phía sinh viên nhằm phản đối hạn ngạch việc làm.
Theo số liệu của bệnh viện, ít nhất 4 người tử vong trong các cuộc đụng độ lẻ tẻ vào ngày 20-7 tại một số khu vực của Dhaka, trung tâm của các cuộc biểu tình. Tại các địa điểm đó, lực lượng an ninh lập chốt chặn để thực thi lệnh giới nghiêm.
Trước đó, các bệnh viện trên khắp Bangladesh cho biết các cuộc đụng độ đã làm hàng ngàn người bị thương. Bệnh viện Cao đẳng Y khoa Dhaka tiếp nhận 27 thi thể từ 17 giờ đến 19 giờ ngày 19-7 (giờ địa phương).
Chính quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina tuyên bố ngày 21 và 22-7 là "ngày nghỉ" do tình hình trong nước, chỉ các dịch vụ khẩn cấp mới được phép hoạt động. Trước đó, chính quyền đã đóng cửa các trường đại học và cao đẳng từ ngày 17-7.
Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở khu vực Rampura, Dhaka ngày 18-7. Ảnh: Reuters
Lực lượng an ninh, quân đội ngăn chặn biểu tình tại Dhaka, Bangladesh, ngày 19-7. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, bất ổn khắp Bangladesh nổ ra sau khi sinh viên tức giận phản đối hạn ngạch việc làm trong chính quyền, trong đó có 30% dành cho gia đình của những người đấu tranh giành độc lập khỏi Pakistan.
Chính quyền của bà Hasina bãi bỏ hệ thống hạn ngạch vào năm 2018, nhưng một tòa án khôi phục lại vào tháng trước. Sau đó, Tòa án Tối cao Bangladesh đình chỉ quyết định và sẽ thụ lý vụ việc trong ngày 21-7, sau khi đồng ý đưa ra phiên điều trần dự kiến vào ngày 7-8.
Các cuộc biểu tình (lớn nhất kể từ khi bà Hasina tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong năm nay) cũng được thúc đẩy bởi tình trạng thất nghiệp cao trong giới trẻ, vốn chiếm gần 1/5 dân số.
Dịch vụ internet và tin nhắn ở Bangladesh bị ngưng hoạt động kể từ ngày 18-7, khiến cả nước bị cô lập khi cảnh sát trấn áp những người biểu tình bất chấp lệnh cấm tụ tập nơi công cộng.
Các cuộc gọi điện thoại quốc tế hầu hết đều không kết nối được. Trang web của các tổ chức truyền thông có trụ sở tại Bangladesh không được cập nhật và tài khoản mạng xã hội của họ vẫn không hoạt động.
Chuyên gia John Heidemann thuộc Trường Kỹ thuật USC Viterbi nhận định: "Việc cắt internet của một quốc gia có gần 170 triệu dân là một bước đi quyết liệt, một động thái mà chúng ta chưa từng thấy kể từ cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011".
Việc ngắt kết nối internet có nghĩa là nhiều người không thể nạp tiền vào đồng hồ điện, dẫn đến tình trạng mất điện.
Reuters đưa tin với số người chết tăng cao, cảnh sát cùng các lực lượng an ninh khác không thể kiểm soát được các cuộc biểu tình, chính quyền đã áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc và triển khai quân đội. Lực lượng an ninh được lệnh nổ súng ngay tại chỗ nếu cần.
Trước tình hình "cực kỳ biến động", Bộ Ngoại giao Mỹ nâng cảnh báo không đi lại đến Bangladesh lên mức cao.
TPO - Cảnh sát Kenya nổ súng vào những người biểu tình cố gắng xông vào trụ sở quốc hội của nước này ngày 25/6, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và một phần tòa nhà quốc hội bốc cháy, trong lúc các nghị sĩ đang họp bên trong để thông qua luật tăng thuế.
Nguồn: [Link nguồn]