Băng đảng Trung Quốc ngày mở cửa hàng, ban đêm đào hầm trộm mộ cổ gây kinh ngạc
Cảnh sát Trung Quốc mất 14 tháng để truy tìm manh mối, bắt giữ các thành viên băng đảng trộm mộ táo tợn, chuyên mở cửa hàng và nhà hàng làm bình phong cho hoạt động phạm pháp.
Bên trong một ngôi mộ cổ ở Trung Quốc.
Băng đảng chuyên trộm mộ cổ ban ngày mở cửa hàng, đến đêm mới đào đường hầm để bí mật đánh cắp các cổ vật, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Những vụ trộm mộ cổ có niên đại hàng ngàn năm khiến cư dân mạng Trung Quốc bị sốc, dấy lên tranh luận về việc làm cách nào để bảo vệ cổ vật và di tích cổ ở vùng hẻo lánh.
Băng đảng do một người đàn ông tên Ngụy Vĩnh Cương, sinh ra ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc cầm đầu. Băng đảng bắt đầu đào mộ cổ ăn trộm cổ vật, lấy hoạt động kinh doanh làm bình phong từ năm 2011, theo tờ The Paper.
Đáng chú ý, Ngụy Vĩnh Cương là kẻ có quá khứ bất hảo, từng ngồi tù 15 năm vì trộm mộ cổ. Không lâu sau khi ra tù vào ngày 26.1.2011, hắn lại ngựa quen đường cũ.
Nơi đầu tiên băng đảng này chọn hành động là một ngôi đền cổ, xây dựng từ thời nhà Đường (618 – 907), gần Hàm Dương, phía tây bắc Trung Quốc.
Ngụy Vĩnh Cương thuê một căn nhà cách ngôi đền không xa, bày bán các loại bánh qua ngày cùng với một phụ nữ giả làm vợ.
Cả hai ngày qua ngày bán hàng một cách bình thường, theo dõi động tĩnh xung quanh. Đến đêm, các thành viên băng đảng đào hầm sâu 50 mét hướng tới ngôi đền.
Một ngôi đền cổ ở thành phố hàm Dương, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Sau 11 tháng, băng đảng cuối cùng cũng đạt mục đích. Chúng đào tới khu hầm mộ ngầm bên dưới ngôi đền. Lần đầu tiên đào hầm ăn trộm, băng đảng đánh cắp 18 viên xá lợi thời nhà Đường, bao gồm một bảo tháp Ashoka bằng bạc, tượng Phật bằng vàng và xá lợi, cũng như hài cốt của các nhà sư.
Thành công lần đầu tiên, băng đảng tiếp tục mở nhà hàng, khách sạn gần một ngôi đền cổ, cũng ở tỉnh Sơn Tây. Trong nhiều năm, chúng trộm 24 cổ vật, kiếm được 1,96 triệu nhân dân tệ (khoảng 7 tỉ đồng).
Trong các năm 2012, 2013 và 2014, băng đảng của Ngụy Vĩnh Cương nhắm tới một loạt các ngôi đền cổ trên địa bàn, một số khiến chúng ra về tay trắng vì đã bị trộm từ trước.
Tháng 10.2015, băng đảng này nhắm tới một ngôi đền thời nhà Tống (960 – 1279) ở huyện Hàm Dương.
Như cách cũ, chúng mở một nhà hàng Tứ Xuyên gần ngôi đền làm bình phong và căn cứ, thuê người địa phương làm công việc bồi bàn, dọn dẹp.
Cứ 10 giờ tối, các thành viên băng đảng bắt đầu đào bới cho tới sáng. Những đất đá được cho vào túi, đem đi đổ bằng xe ô tô. Băng đảng mất 6 tháng để đào đường hầm tới hầm mộ bên dưới ngôi đền.
Lần này, chúng đánh cắp 49 cổ vật, bao gồm gương đồng và một cỗ quan tài. Số cổ vật này được đem đóng gói, bán cho người mua với giá 5,8 triệu nhân dân tệ (khoảng 20,5 tỉ đồng). Bộ sưu tập được truyền tay từ người này sang người khác, đến khi tới tay một người ở tỉnh Chiết Giang thì giá đã lên tới 23 triệu nhân dân tệ.
Năm 2016, Ngụy Vĩnh Cương và đồng bọn nhắm tới một ngôi mộ cổ ở làng Dongguo, gần thành phố Vận Thành tỉnh, Sơn Tây.
Băng đảng ngày mở cửa hàng, đêm đào hầm tới hầm mộ bên dưới ngôi đền cổ.
Băng đảng chi tiền cho xây nhà ở ngôi làng, phân chia công việc đào trộm mộ cổ. Nhưng tới khi bị bắt giữ năm 2018, Ngụy Vĩnh Cương và đồng bọn chưa tìm được cổ vật tại ngôi mộ này, dường như do chúng biết đã rơi vào tầm ngắm của cảnh sát nên án binh bất động.
Sau 14 tháng điều tra, hầu hết các thành viên băng đảng bị bắt giữ, bao gồm cả kẻ chủ mưu. Ngụy Vĩnh Cương bị kết án 15 năm tù giam lần hai, trong khi 22 bị cáo khác bị tuyên án từ tù treo đến 14 năm tù giam vào năm 2020.
Từ năm 2011, tổng cộng băng đảng đã xâm phạm 6 ngôi đền cổ, tất cả đều nằm ở tỉnh Sơn Tây và là các công trình có ý nghĩa văn hóa quan trọng được bảo vệ.
Tất cả các thành viên băng đảng trong độ tuổi từ 40 cho đến 60, chia làm nhiều vai trò khác nhau. Có những người tham gia đào đường hầm, có người đóng vai trò giám sát và chuẩn bị thiết bị, có người trực tiếp vào hầm mộ đánh cắp cổ vật.
Hầu hết những người sưu tập mua cổ vật của Ngụy Vĩnh Cương đều tự giác nộp lại cho nhà chức trách, bao gồm 4 cổ vật được đánh giá cấp quốc gia, 4 cổ vật cấp 2, 24 cổ vật cấp 3 và 45 cổ vật khác. Những hiện vật giá trị nhất phải kể đến những quan tài bằng vàng và bạc, ước tính có niên đại 1.400 năm tuổi.
Sự việc làm dấy lên tranh luận của cư dân mạng Trung Quốc về sự an toàn của các di tích và những ngôi mộ cổ ở vùng hẻo lánh, ít được quan tâm và bảo vệ.
“Khi tôi đến thăm các ngôi làng để chụp ảnh ở Sơn Tây, tôi phát hiện ra rất nhiều di tích cổ, bao gồm các ngôi đền, tháp cổ và nhà dân có giá trị văn hóa cao. Nhưng người dân địa phương và chính quyền chưa ý thức được giá trị của chúng. Các biện pháp bảo vệ còn thiếu nghiêm túc”, một nhiếp ảnh gia tự do họ Li nói trên tờ Hoàn Cầu.
Li nói đây là vấn đề khẩn cấp cần được giải quyết. “Nhà chức trách không chỉ tập trung bảo tồn các công trình quy mô lớn như Tử Cấm Thành”, Li chia sẻ.
_____________________
Một đêm nọ ở Trung Quốc, mộ cổ chứa thi thể cô gái hơn 2.400 tuổi bị xâm phạm, đem lên mặt đát chôn ở nơi khác. Hầu hết những kẻ trộm mộ bị bắt giữ, chỉ một người bỏ trốn, suốt 23 năm sau mới sa lưới pháp luật. Các nhà khảo cổ nhận định, đây là một trong những thi thể còn nguyên vẹn nhất. Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 3 xuất bản 19 giờ ngày 18.10 để tìm hiểu thêm về vụ án gây chấn động này.
Nguồn: [Link nguồn]
Một băng đảng xã hội đen từng gây chấn động Trung Quốc vì hoạt động phạm pháp suốt 20 năm, chuyên đào mộ cổ kiếm...