Hiện tượng chưa từng thấy trong bầu cử Mỹ
Bang chiến trường Georgia hôm 15/10 ghi nhận số lượng cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục. Theo dự đoán của chuyên gia, bất cứ ứng viên nào chiến thắng ở bang Georgia đều có cơ hội rất lớn để đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc đua bầu cử năm nay.
Cử tri bang Geogia xếp hàng chờ bỏ phiếu bầu cử tổng thống Mỹ hôm 15/10. Ảnh: CNN.
Kỷ lục số lượng cử tri bỏ phiếu sớm
Hôm 15/10, số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm tại bang chiến trường Georgia đã lập kỷ lục mới, trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất trong mùa bầu cử năm 2024.
Với hơn 300.000 phiếu bầu được ghi nhận trong ngày 15/10, con số này đã vượt xa kỷ lục trước đó là 136.000 phiếu vào ngày đầu tiên của năm 2020.
Trên nền tảng mạng xã hội X, Gabe Sterling, quan chức thuộc văn phòng quản lý các cuộc bầu cử tại Georgia, đã ca ngợi số lượng cử tri đi bầu đông đảo: "Lượng cử tri đi bỏ phiếu rất ấn tượng, chúng tôi không có từ ngữ nào có thể miêu tả chính xác điều này".
Sự quan tâm đặc biệt dành cho Georgia là điều dễ hiểu, bởi đây là bang chiến trường quan trọng trong cuộc đua tổng thống. 4 năm trước, Georgia khiến cả nước Mỹ chú ý khi ứng viên Joe Biden chiến thắng tại đây với cách biệt chỉ 0,2% số phiếu bầu so với cựu Tổng thống Donald Trump.
Những nỗ lực sau đó của ông Trump và đồng minh nhằm lật ngược kết quả đã không thành công, nhưng lại để lại một dấu ấn lớn, đặc biệt là những thay đổi trong quy trình quản lý bầu cử ở Georgia.
Mặc dù số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm rất cao, quá trình bỏ phiếu lại diễn ra suôn sẻ hơn dự đoán tại một số khu vực, đặc biệt là ở Atlanta - thủ phủ bang Georgia.
Cử tri Corine Canada nói: "Lần trước tôi bỏ phiếu, người xếp hàng dài dằng dặc và chỉ có vài nhân viên kiểm phiếu làm việc. Nhiều người đã phải bỏ cuộc vì không thể chờ đợi quá lâu. Nhưng lần này thì dễ dàng hơn rất nhiều".
Bang chiến trường có thể quyết định kết quả bầu cử
Xu hướng cử tri Mỹ bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa (màu đỏ) và đảng dân Chủ (màu xanh) ở bang Georgia kể từ năm 2000. Ảnh: ABC NEws.
Georgia, từng được xem là thành trì vững chắc của đảng Cộng hòa, đã dần chuyển thành bang chiến trường kể từ năm 2000. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Trump giành chiến thắng thắng tại đây với cách biệt 5% số phiếu bầu. Nhưng chỉ bốn năm sau đó, ông Biden đã giành chiến thắng, dù chỉ với cách biệt 0,2%.
Vì vậy, trong cuộc bầu cử năm nay, Georgia trở thành một trong những bang then chốt có thể quyết định kết quả. Theo dự đoán của các chuyên gia, ông Trump cần chiến thắng tại Georgia để có cơ hội trở lại Nhà Trắng.
Theo dự báo của tổ chức FiveThirtyEight có uy tín ở Mỹ, nếu giành được 16 phiếu đại cử tri của Georgia, ông Trump có khoảng 75% cơ hội giành chiến thắng bầu cử chung cuộc. Ngược lại, nếu Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris giành chiến thắng tại đây, bà Harris có đến 90% khả năng trở thành tân Tổng thống Mỹ.
Kết quả khảo sát của tổ chức FiveThirtyEight cho thấy, ông Trump hiện đang dẫn trước bà Harris với cách biệt chỉ khoảng 1% ở bang Georgia. Cơ hội chiến thắng của cả hai ứng viên ở bang chiến trường này đều đang được để ngỏ.
Vấn đề kinh tế được dự đoán sẽ là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định của cử tri tại Georgia. Một cuộc khảo sát từ tháng 9 cho thấy, 41% cử tri tại bang này coi kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, các vấn đề như phá thai và nhập cư cũng có ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử, nhưng kinh tế vẫn chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm nay tại Georgia cũng gặp nhiều khó khăn và tranh cãi. Một trong những thay đổi lớn về quy trình kiểm phiếu đã được thông qua vào tháng 9 bởi các thành viên trong Hội đồng bầu cử bang Georgia - những người ủng hộ ông Trump.
Theo đó, các phiếu bầu tại từng điểm bỏ phiếu sẽ phải được kiểm lại bằng tay, để so sánh với kết quả đếm bằng máy. Quy trình này, tuy nhằm tăng cường tính minh bạch, nhưng lại có nguy cơ kéo dài quá trình công bố kết quả, đặc biệt khi kiểm phiếu thủ công thường kém chính xác và tốn thời gian hơn.
Cuộc khảo sát vào tháng 9 từ YouGov/CBS News cho thấy, 63% cử tri tại Georgia tin rằng quy định mới sẽ làm chậm quá trình kiểm phiếu, nhưng 53% cho rằng việc kiểm phiếu thủ công sẽ giúp kết quả chính xác hơn và 50% tin rằng sẽ giúp giảm nguy cơ gian lận.
Cử tri đi bỏ phiếu sớm nói gì?
Cử tri Mỹ ở bang Georgia xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm.
Các cử tri đi bỏ phiếu sớm tại Georgia có nhiều quan điểm khác nhau, phản ánh tính đa dạng trong sự lựa chọn.
Trong hàng dài cử tri tại một điểm bỏ phiếu ở thủ phủ Atlanta, cử tri thuộc đảng Dân chủ cho biết họ bỏ phiếu cho bà Harris để tránh những điều mà họ coi là "hỗn loạn" từ phía ông Trump.
Cử tri Fay Ainsworth chia sẻ: "Chúng tôi bỏ phiếu ngay hôm nay vì muốn ngăn chặn sự hỗn loạn. Ông Trump đã chứng minh ông là Tổng thống Mỹ bất ổn nhất trong lịch sử".
Bên cạnh đó, một số cử tri trung lập cũng lựa chọn những ứng cử viên khác ngoài hai đảng lớn. Kareem Rosshandler, 32 tuổi, đã bỏ phiếu cho ứng viên thứ ba là bà Jill Stein, với lý do phản đối sự ủng hộ của đảng Dân chủ đối với Israel. "Chúng tôi đã kêu gọi cấm vận vũ khí từ năm ngoái, nhưng không ai lắng nghe. Chúng tôi phải gửi thông điệp đó qua lá phiếu", Rosshandler nói.
Các cử tri ủng hộ Trump có quan điểm riêng. James Tanner, một cựu chiến binh, hài hước khi nói ông bỏ phiếu sớm vì "muốn kịp hoàn thành nghĩa vụ". "Nhỡ đâu tôi không còn sống được đến ngày bầu cử thì sao. Tôi muốn chắc chắn rằng lá phiếu của tôi sẽ được tính", ông Tanner nói. "Tôi giống ông Trump, tôi đã cống hiến cả đời cho đất nước này".
Phần lớn cử tri ủng hộ Trump tại khu vực Woodstock bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho ông trong việc đối phó với các vấn đề về an ninh biên giới, tội phạm và kinh tế. George McCutchen, một cử tri hưu trí, nói: "Ông Trump là doanh nhân, ông hiểu rõ cách điều hành đất nước như một doanh nghiệp. Đó là điều quan trọng nhất".
Một số cử tri cũng lo ngại rằng cuộc bầu cử năm nay có thể không minh bạch. Gail Kane nhận định: "Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử lần trước có chút gì đó không ổn. Chúng ta không bao giờ có thể biết chắc chắn hoàn toàn".
Nguồn: [Link nguồn]
Các cử tri ở bang Georgia đã đi bỏ phiếu với số lượng cao kỷ lục khi bang chiến trường này mở cửa bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống ngày 5-11.