Bắn tên lửa Triều Tiên, Mỹ được và mất gì?
Trong bối cảnh Triều Tiên đe dọa tấn công đảo Guam, sức ép đang gia tăng lên Washington trong vấn đề có nên sử dụng hệ thống phòng chống tên lửa trị giá hàng tỉ USD để bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng ngay trên không.
Triều Tiên mới đây tuyên bố sẽ hoàn thiện kế hoạch tấn công vùng lãnh hải cách đảo Guam 30-40 km vào giữa tháng 8. Ảnh: AP
Trong trường hợp lãnh thổ bị đe dọa, Mỹ chắc chắn sẽ đáp trả.
Tuy nhiên, nếu tên lửa của Triều Tiên không nhắm vào khu vực trên đất liền, câu hỏi đặt ra là liệu Washington có nên và có thể bắn hạ chúng hay không.
Bình Nhưỡng trước đó từng tuyên bố mục tiêu của tên lửa là vùng biển cách Guam 30-40 km.
Dù vậy, hành động tấn công tên lửa gần Guam sẽ bị xem là một hành động cực kỳ khiêu khích và nhiều khả năng sẽ dẫn đến một cuộc đáp trả ngay tức thì của Mỹ.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn tên lửa sẽ tạo ra hàng loạt mối nguy hiểm tiềm tàng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đẩy nhanh chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và đạt được những bước tiến đáng kể. Nhiều chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn đến các thành phố lớn của Mỹ trong một hoặc hai năm tới.
Bình Nhưỡng đã chế tạo thành công các tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công Nhật Bản, đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực với khoảng 50.000 binh lính Mỹ đang đóng quân tại đây.
Theo AP, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tấn công Nhật Bản và các căn cứ của Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân, hóa học hay sinh học. Tuy nhiên, Triều Tiên chắc chắn cần thêm thời gian để thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật.
Cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên chưa thực sự hoàn thiện công nghệ liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng vẫn cần thêm thời gian để huấn luyện binh lính hoạt động hiệu quả trên chiến trường nhằm xử lý đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo,
Bắn hạ tên lửa Triều Tiên sẽ cản trở công tác Bình Nhưỡng thu thập những số liệu cần thiết.
Nếu Mỹ dễ dàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên, điều này sẽ buộc ông Kim Jong-un phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành các cuộc tấn công khác.
Điều quan trọng nhất, bắn hạ tên lửa Triều Tiên tại vùng biển mở sẽ giúp Mỹ gửi được một thông điệp cực kỳ mạnh mẽ đến Bình Nhưỡng mà không cần tấn công phủ đầu các căn cứ hạt nhân hay mục tiêu khác trong lãnh thổ của quốc gia này.
Một vấn đề lớn mà Washington đang đối mặt là liệu hệ thống phòng chống tên lửa hàng tỉ USD của họ có thể bắn hạ được tên lửa Triều Tiên hay không.
Nếu thất bại, Mỹ thậm chí còn "ê mặt" hơn là không ra tay. Mỹ đầu tư hàng tỉ USD vào các hệ thống phòng chống tên lửa và thu về hàng trăm triệu USD khi triển khai chúng tại các nước đồng minh, trong đó có hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm 2 bài tập bắn hạ ICBM kể từ tháng 5 qua và đã thành công, theo giới chức trách Washington. Tuy nhiên, giới chỉ trích phản biện rằng điều kiện thử nghiệm không sát với điều kiện chiến đấu thực tế.
Việc bắn hạ tên lửa hướng đến Guam đòi hỏi sự đánh chặn thành công của hệ thống phòng chống tên lửa trên chiến hạm SM-3 hoặc hệ thống phòng chống tên lửa trên đất liền PAC-3 trên hòn đảo này.
Tuy nhiên, câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra là liệu 2 hệ thống này có thể bắn hạ được toàn bộ 4 tên lửa của Triều Tiên hay không.
Tổng thống Donald Trump hôm 8-8 gián tiếp thừa nhận rằng hệ thống này vẫn còn cần hoàn thiện khi ông trả lời với phóng viên rằng Mỹ sẽ chi thêm hàng tỉ USD cho chúng.
Việc bắn hạ không thành công chắc chắn sẽ tạo động lực cho Triều Tiên đẩy nhanh phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời khiến đồng minh của Washington là Hàn Quốc và Nhật Bản hoang mang, theo AP.
Trong trường hợp này, Seoul và Tokyo nhiều khả năng sẽ xây dựng lực lượng hạt nhân độc lập với Washington. Nếu thất bại, Washington cũng sẽ bộc lộ yếu điểm, tạo cơ hội cho các thế lực đối đầu như Trung Quốc và Nga đẩy nhanh các chính sách cần thiết.
Đây là hệ thống hầm đặt sâu nhất thế giới và kéo dài 30 km xung quanh Bình Nhưỡng.