Bắn tên lửa phương Tây vào đất Nga có giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường?

Ukraine đã được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Quyết định này sẽ thay đổi điều gì và tác động như thế nào đến tình hình tiền tuyến ở Ukraine?

Ukraine được phương Tây nới lỏng quy định sử dụng vũ khí để tấn công sang đất Nga ở mức độ hạn chế. (Ảnh: Reuters)

Ukraine được phương Tây nới lỏng quy định sử dụng vũ khí để tấn công sang đất Nga ở mức độ hạn chế. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, phương Tây chỉ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ để bắn những mục tiêu quân sự Nga trên đất Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea và các khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập. Phương Tây lo ngại việc tấn công các mục tiêu bên kia biên giới bằng vũ khí của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ làm leo thang xung đột.

Tuy nhiên, bước tiến mới nhất của Nga ở mặt trận Kharkiv buộc đồng minh của Kiev thay đổi quan điểm, chấp nhận lập luận của Ukraine rằng nước này cần phá hủy các mục tiêu quân sự của Nga ở phía bên kia biên giới.

Bước tiến của Nga tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, chỉ cách biên giới 30km.

Chỉ vài ngày trước thông báo này, Tổng thống Nga Vladimir Putin dọa sẽ mở rộng "khu vực dọn dẹp" trong trường hợp vũ khí tầm xa của phương Tây được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Ông nhắc nhở châu Âu phải nhớ rằng họ có "các quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc".

Sau áp lực ngày càng tăng từ Ukraine và các quốc gia châu Âu khác, Mỹ chấp nhận thay đổi chính sách để cho phép Kiev tấn công Nga bằng vũ khí phương Tây.

Tránh leo thang có lẽ là lý do Mỹ vẫn chưa cho phép dùng vũ khí tầm xa như ATACMS để tấn công Nga. Tên lửa này có tầm bắn lên đến 300km, có thể vươn đến những căn cứ quân sự và sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Trên thực tế, với tầm bắn lên đến 70km, các bệ phóng tên lửa đa nòng như HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine vẫn có thể làm gián đoạn đáng kể hoạt động hậu cần và chuyển quân của Nga, từ đó làm chậm các kế hoạch tấn công.

Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cho biết Nga đang tập hợp lực lượng ở khu vực chỉ cách Kharkiv 90km để chuẩn bị một cuộc tấn công khác. Viện Nghiên cứu Chiến tranh dựa vào ảnh vệ tinh cho biết Nga đang tăng cường hoạt động ở các nhà kho gần biên giới. Việc tấn công những cơ sở như vậy có thể giúp Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công mới ở khu vực.

Tuy nhiên, bước đi của phương Tây khó có thể giúp bảo vệ Ukraine khỏi bom lượn của Nga, được gọi là KAB.

Loại bom này có sức tàn phá lớn, thường được sử dụng để thả xuống Kharkiv và các thị trấn biên giới khác. Để ngăn chặn những cuộc tấn công như vậy, Ukraine phải bắn đội máy bay thả bom KAB.

Vũ khí duy nhất có thể hạ gục những chiếc máy bay đó mà Ukraine đang có trong tay là hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Tuy nhiên, việc đưa vũ khí này đến gần Kharkiv có thể gặp rủi ro rất lớn. Máy bay không người lái trinh sát sẽ nhanh chóng phát hiện ra chúng và lực lượng Nga có thể dùng các tên lửa như Iskander để phá hủy hệ thống đắt tiền này.

Điều thú vị là Anh và Pháp, những nước cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow (Pháp gọi là Scalp), không hạn chế rõ ràng cách sử dụng chúng. Tầm bắn của tên lửa này có thể lên tới 250km.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emanuel Macron nói với báo chí: "Chúng ta nên cho phép (Ukraine) vô hiệu hóa các vị trí quân sự phóng tên lửa tấn công Ukraine”.

Phát biểu này được hiểu là nhà lãnh đạo Pháp cho phép Ukraine sử dụng Storm Shadows/Scalps. BBC dẫn lời một sĩ quan không quân đề nghị giấu tên cho biết, Ukraine giờ đây có thể tấn công các sân bay của Nga ở Kursk và Belgorod gần biên giới.

Tuy nhiên, những cuộc tấn công như vậy cũng khó tạo nên thay đổi đáng kể. Các phi đội máy bay Su-24 của Ukraine được trang bị tên lửa hành trình sẽ phải đến gần biên giới Nga để khai hỏa, khiến chính những máy bay đó dễ lọt vào tầm ngắm của các hệ thống phòng không Nga.

Đội F-16 có thể thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn, nhưng dự kiến đến cuối năm nay mới được bàn giao cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky thừa nhận rằng vẫn chưa rõ các đối tác của Ukraine có cho phép dùng F-16 để tấn công vào đất Nga hay không.

Khi được hỏi về thay đổi trong chính sách của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Mátxcơva không coi đó là thay đổi đáng kể về nguyên trạng.

"Ai cũng biết rằng nhìn chung, vũ khí của Mỹ đã được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Điều đó đủ để chúng tôi biết và là bằng chứng rất hùng hồn về mức độ tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột này", ông Peskov nói.

Nhà máy Dnipro hiện không thể sản xuất điện. Giao thông qua sông Dnipro bị đình trệ nên việc di chuyển của người dân bị hạn chế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN