Bạn Mỹ tặng Kim Jong-un sách về đàm phán của ông Trump
Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đã gửi tặng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cuốn sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến đi đến Bình Nhưỡng.
Những món quà cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman mang đến Triều Tiên.
Theo ABC News, Rodman có mặt ở Triều Tiên vào ngày 13.6 trong chuyến thăm thứ 4 đến quốc gia này.
Trước khi khởi hành từ Trung Quốc, Rodman nói mình muốn “mở cánh cửa” với Triều Tiên và đến Bình Nhưỡng với tư cách cá nhân.
Rodman đã đến xem đội bóng rổ Triều Tiên và gặp Bộ trưởng Thể thao Kim Il-guk.
Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ mang nhiều món quà đến tặng nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bao gồm cuốn sách Trump: The Art of the Deal (Nghệ thuật đàm phán) của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là cuốn sách đầu tay của ông Trump xuất bản năm 1987.
Bên cạnh cuốn sách, Rodman đem đến Triều Tiên hai chiếc áo có chữ ký của cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ.
Rodman là công dân Mỹ duy nhất từng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với tư cách cá nhân.
Cuốn sách không có chữ ký của Tổng thống Donald Trump dù Rodman có mối quan hệ khá gần gũi với nhà lãnh đạo Mỹ, khi cả hai còn tham gia chương trình truyền hình Celebrity Apprentice.
Rodman đã nhờ Bộ trưởng Kim Il-guk chuyển món quà đến cho ông Kim Jong-un.
Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ cũng gặp nhiều vận động viên Olympic Triều Tiên, như vận động viên từng đoạt huy chương vàng môn judo, An Kum-ae.
“Mọi người nên cảm thấy tự hào, vì không có nhiều người ở Triều Tiên có cơ hội được ra tranh tài trên đấu trường toàn cầu như vậy”, Rodman nói.
Bìa cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Rodman là công dân Mỹ duy nhất từng gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un với tư cách cá nhân. Ông gọi mối quan hệ giữa hai người giống như “tình bạn tri kỷ”.
Theo lời Bộ trưởng Kim Il-guk, Rodman được nhiều người dân Triều Tiên yêu mến. “Trong quá khứ, nhà lãnh đạo tối cao đã gặp ông vài lần và tình yêu bóng rổ đã lại đưa ông đến đây. Mọi người ở Triều Tiên coi ông như người bạn cũ vậy”, Bộ trưởng Kim Il-guk nói với Rodman.
Rodman đến Triều Tiên cùng thời điểm Bình Nhưỡng trả tự do cho công dân Mỹ Otto Warmbier vì lý do nhân đạo. Sinh viên này bị kết án 15 năm tù khổ sai vì cáo buộc đánh cắp một khẩu hiệu tuyên truyền tại khách sạn.
Warmbier rơi vào tình trạng hôn mê sâu và đã được đưa trở về Mỹ. Giới chức Washington bác bỏ khả năng Rodman tác động, giúp Warmbier được trả tự do.
Một tháng sau khi bị tuyên án tù 15 năm khổ sai, sinh viên Mỹ bị hôn mê sâu và không tỉnh lại.