Băn khoăn khả năng răn đe của Israel sau các đòn tấn công từ Iran, Hamas
Nhiều sự kiện gần đây, nổi bật là vụ tấn công của Iran vào Israel, cho thấy khả năng răn đe của Israel xuất hiện lỗ hổng.
Israel từ lâu theo một chính sách cứng rắn. Khi kẻ thù tấn công, Israel sẽ đánh trả mạnh đến mức kẻ thù không hành động được nữa. Tuy nhiên, theo tờ The Wall Street Journal, nguyên tắc răn đe đó hiện không còn nhiều hiệu quả.
Sau khi tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào Israel cuối tuần qua, Iran cảnh báo sẽ tấn công lần nữa nếu Israel trả đũa.
Nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) tấn công lực lượng Israel hầu như mỗi ngày, bất chấp các cuộc đáp trả thường xuyên của Israel vào nhóm này.
Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas cũng liên tục phóng rocket từ Dải Gaza vào Israel.
Binh sĩ Israel chuẩn bị trước khi vào Gaza. Ảnh: GETTY IMAGES
Tình hình hiện tại cho thấy không có bên nào sẵn sàng thỏa hiệp vì lo sợ bộc lộ điểm yếu. Trong khi đó, tất cả các bên đều thể hiện khả năng tấn công mạnh mẽ, đẩy khu vực Trung Đông rơi vào nguy cơ xung đột rộng lớn.
Ông Ofer Fridman – học giả nghiên cứu chiến tranh tại trường King's College London (Anh) cho rằng: “Nếu các bên tiếp tục tấn công thì đó sẽ là một con dốc trơn trượt, dẫn đến sự leo thang thực sự”.
Nguyên tắc chiến lược của Israel
Theo nguyên tắc răn đe, bên bị tấn công sẽ phản ứng mạnh và trả đũa bằng cuộc tấn công lớn hơn. Đây là nền tảng phòng thủ của hầu hết quốc gia. Ông Fridman cho biết đây là một trong ba trụ cột trong văn hóa chiến lược của Israel trong nhiều thập niên qua.
Theo đó, nếu như quá trình ngăn chặn cuộc tấn công không phát huy tác dụng, Israel sẽ đưa ra cảnh báo về việc tấn công trả đũa. Nếu cả hai biện pháp trên không phát huy tác dụng, Israel sẽ tìm cách nhanh chóng gây ra một thất bại nặng nề, thậm chí nhục nhã cho kẻ thù trên chiến trường để kẻ thù không dám tấn công Israel nữa – ít nhất là trong nhiều năm.
Trước cuộc tấn công của Iran, Israel đe dọa sẽ trả đũa lớn nếu Iran tấn công nước này. Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Bất cứ ai làm hại chúng tôi, chúng tôi sẽ làm hại họ”.
Iran cũng đang sử dụng các thuật ngữ tương tự như phía Israel đưa ra. Tổng thống Iran – ông Ebrahim Raisi cho biết: “Hành động nhỏ nhất chống lại lợi ích của Iran chắc chắn sẽ gặp phải phản ứng nghiêm khắc, diện rộng và đau đớn”.
Theo The Wall Street Journal, cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Iran nhằm vào Israel là một phần trong chiến lược quân sự khu vực của Iran kéo dài nhiều năm. Trong đó, Iran xây dựng một mạng lưới các nhóm dân quân ủy nhiệm, có khả năng tấn công các đối thủ mạnh hơn về mặt quân sự, đặc biệt là Mỹ và Israel, đồng thời giảm thiểu nguy cơ Iran bị tấn công.
Hôm 14-4, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran – Tướng Hossein Salami cho biết: “Chúng tôi đã quyết định tạo ra một tình huống phức tạp mới”. Ông Salami cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào lợi ích của Iran trong khu vực sẽ bị đáp trả bằng các cuộc tấn công trực tiếp từ Iran.
Một biển cổ động ở Tehran (Iran) có nội dung: "Tôi sẽ không rời bỏ quê hương mình". Ảnh: ZUMA PRESS
Các nhà phân tích quân sự cho rằng cuộc tấn công của Iran vừa qua làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ tấn công “ăn miếng trả miếng” giữa Iran và Israel.
“Các động thái của Iran rất có tính toán. Nhưng đồng thời, chúng không phải là không có rủi ro. Iran sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro được tính toán từ trước” – theo ông Hamdi Malik, chuyên gia về mạng lưới dân quân Iran.
Khả năng răn đe của Israel hết hiệu quả?
Thất bại trong việc áp dụng nguyên tắc răn đe của Israel thể hiện rõ trong ngày 7-10-2023, khi nước này "choáng váng" trước cuộc tấn công của hàng ngàn chiến binh Hamas từ Dải Gaza.
Theo The Wall Street Journal, cho đến sáng 7-10, đánh giá an ninh của Israel vẫn cho rằng Hamas không muốn có cuộc chiến với Israel.
Ông Netanyahu và các quan chức an ninh Israel cho rằng Hamas đã bị giáng một đòn mạnh vào năm 2021. Do đó, phía Israel tự tin rằng mình đã ngăn chặn được Hamas nên đã có phần chủ quan.
Theo ông Michael Milshtein – cựu sĩ quan tình báo Israel phụ trách các vấn đề của người Palestine, “vấn đề cơ bản ở đây là chúng tôi phải đối mặt những kẻ có hệ tư tưởng”.
Rõ hơn, theo ông Milshtein, Hamas khác với những kẻ thù khác của Israel vì biện pháp răn đe thông thường không có tác dụng với nhóm vũ trang này. Ông Milshtein cho rằng Hamas theo đuổi mục tiêu đánh bại Israel, đã nuôi dưỡng văn hóa “hy sinh vì chính nghĩa” và không có những bất đồng nội bộ.
Ông Milshtein cho rằng “đó là một trò chơi có tổng bằng không”, có nghĩa là chỉ có trường hợp xảy ra: hoặc Hamas sẽ bị đánh bại hoàn toàn hoặc nhóm vũ trang này vẫn sẽ vẫn là một mối đe dọa đối với Israel.
TP Khan Younis (nam Gaza) bị tàn phá nặng nề trong xung đột Israel-Hamas. Ảnh: AFP
Trong khi đó, chuyên gia Fridman cho rằng Israel cần phải thay đổi ý tưởng rằng nước này có thể vĩnh viễn ngăn chặn các kẻ thù.
“Kể từ khi thành lập nhà nước Israel, nước này đã chuyển từ xung đột này sang xung đột khác. Họ cho rằng nếu đánh kẻ thù đủ mạnh thì kẻ thù sẽ ngừng tấn công họ. Nguyên tắc này không hoạt động. Chúng ta cần tìm một giải pháp chính trị” – ông Fridman nói.
Mỹ cũng đang muốn Israel thay đổi cách tiếp cận. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trấn an Israel về sự đảm bảo an ninh mà Mỹ và các đồng minh mang lại. Phía Mỹ cũng mong phía Israel không trả đũa Iran.
Tuy nhiên, The Wall Street Journal cho rằng Israel có khát vọng mạnh mẽ là khôi phục khả năng răn đe, chứ không chỉ dựa vào sự bảo vệ hay cảnh báo từ bên ngoài.
"Iran đã vượt qua ranh giới đỏ. Tôi nghĩ vấn đề nan giải hiện nay là làm thế nào để phản ứng sao cho tình hình không leo thang" – ông Danny Danon, một nhà lập pháp Israel, nhận định.
Vụ tòa lãnh sự Iran ở Syria bị tập kích hồi đầu tháng 4 dẫn đến phản ứng chưa từng có của Iran nhằm vào Israel. Trước đó, Israel từng bị cho là đã dùng nhiều đòn để hạ sát người của Iran.
Nguồn: [Link nguồn]