Bắn drone của Nga, Ukraine dùng ‘dao mổ trâu giết gà’
Cuối tuần qua, quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn rơi hơn 80 máy bay không người lái của Nga. Những phương tiện bay chậm và ồn ào bị bắn rơi khá dễ dàng.
Một chiếc máy bay không người lái của Nga bị Ukraine bắn rơi
“Kết quả đó chưa từng đạt được trước đây”, phát ngôn viên Không quân Ukraine cho biết ngày 3/1.
Tuy nhiên, thông tin này khiến một số người đặt câu hỏi: Ukraine có thể duy trì năng lực này bao nhiêu lâu khi biện pháp đối phó mà họ đang sử dụng đắt đỏ hơn nhiều so với các máy bay không người lái (drone) mà Nga sử dụng?
Theo giới chuyên gia, những drone Shahed-136 mà Iran cung cấp cho Nga có giá khá rẻ, trong khi vũ khí dùng để bắn rơi chúng đắt hơn nhiều.
Artem Starosiek, giám đốc tổ chức tư vấn Molfar, ước tính rằng chi phí bắn rơi một chiếc drone cao gấp 7 lần giá của máy bay đó.
Mỗi drone do Iran sản xuất tốn khoảng 20.000USD, trong khi chi phí để phóng tên lửa đất đối không mà Ukraine đang sử dụng lên đến 140.000USD cho hệ thống S-300 thời Liên Xô, và lên đến 500.000USD cho hệ thống NASAM do Mỹ cung cấp. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng sự mất cân đối đó sẽ có lợi cho Nga, gây tốn kém cho Ukraine và các đồng minh.
Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky nói trong bài phát biểu gần đây rằng Nga đang muốn “làm suy kiệt người dân, hệ thống phòng không và ngành năng lượng của chúng ta”.
Theo ước tính của Molfar, tháng 9/2022, Nga đã phóng khoảng 600 máy bay không người lái ở Ukraine, với tần suất gia tăng khi Mátxcơva vấp phải một số thiệt hại đáng kể trên chiến trường. Những vụ tấn công như vậy gây tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống hạ tầng, nhất là lưới điện, của Ukraine, khiến mùa đông càng thêm khắc nghiệt với người dân nước này.
Chính quyền quân sự Kiev chỉ cung cấp rất ít thông tin về hệ thống phòng không của họ, vì thế khó ước tính tổng chi phí dùng để đối phó.
Lực lượng Ukraine sử dụng súng phòng không và hoả lực cỡ nhỏ để bắn drone, nhưng dần dần, khi Nga thực hiện các vụ tấn công vào ban đêm, Kiev chủ yếu dựa vào tên lửa phóng từ máy bay và mặt đất. Giới chức Ukraine cho biết nước này đã sử dụng tên lửa đất đối không NASAM nhiều lần vào cuối tuần qua để đối phó với drone.
Michael Kofman, một chuyên gia về quân sự Nga tại viện nghiên cứu CNA, cho rằng Ukraine đang sử dụng “một vườn các hệ thống phòng không khác nhau” để đối phó với mối đe doạ, bao gồm cả hệ thống thời Liên Xô và tên lửa của NATO.
Một số loại súng phòng không của Ukraine, như hệ thống súng di động điều khiển bằng radar Gepard 2, có giá rẻ hơn các hệ thống thời Liên Xô và từ châu Âu. Những tên lửa đánh chặn do Mỹ sản xuất có giá đắt hơn.
Tuy nhiên, ông Starosiek cho rằng, chi phí cho tên lửa để bắn hạ drone cần được xem xét phù hợp với hoàn cảnh. Việc dùng tên lửa để bắn drone vẫn rẻ hơn chi phí khắc phục những tổn thất mà drone đó gây ra đối với hạ tầng hoặc trạm điện, và quan trọng hơn là cứu được mạng người.
Trong báo cáo ra ngày 7/11, Molfar cho biết 82% máy bay không người lái đã bị Ukraine bắn hạ, nhưng tỷ lệ đó ngày càng cao hơn.
Ukraine vẫn phụ thuộc vào các đồng minh, chủ yếu là Mỹ, để duy trì năng lực phòng không. Nếu xung đột kéo dài, các đồng minh của Mỹ có thể mệt mỏi khi tiếp tục phải trả những chi phí đó.
Nguồn: [Link nguồn]
Không quân Ukraine tuyên bố quân đội nước này đã bắn hạ một lượng lớn máy bay không người lái (UAV) do Nga sử dụng trong các cuộc tập kích trên khắp lãnh thổ kể từ tháng...