Bãi thử hạt nhân Triều Tiên phút chốc bị phá tan?

Triều Tiên có thể không còn khả năng thử hạt nhân ngầm tại bãi thử Punggye-ri, sau trận động đất bất thường mạnh 2,9 độ richter vào sáng ngày 13.10, giới phân tích nhận định.

Bãi thử hạt nhân Triều Tiên phút chốc bị phá tan? - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Express dẫn lời các chuyên gia về Triều Tiên cho biết, một loạt những cơn địa chấn, lở đất và mới đây nhất là trận động đất mạnh 2,9 độ richter ở gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri, đã cho thấy những dấu hiệu bất thường.

Các chuyên gia nói Triều Tiên nhiều khả năng không thể tiếp tục thử hạt nhân ngầm ở Punggye-ri như trước.

Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất xảy ra vào sáng sớm nay trong phạm vi 5km, với tâm chấn xảy ra tại tỉnh Bắc Hamgyong, gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

USGS không thể xác nhận đây là trận động đất tự nhiên hay nhân tạo. Cơ quan Thời tiết Hàn Quốc xác nhận “các dữ liệu phân tích cho thấy đây là một trận động đất tự nhiên”.

Triều Tiên cho đến nay đã 6 lần thử hạt nhân ở khu vực này và quả bom nhiệt hạch mới thử hồi tháng trước có thể đã làm hư hại cấu trúc bên trong dãy núi ở phía tây bắc nước này.

Kim So-gu, người đứng đầu Viện Nghiên cứu địa chấn Hàn Quốc nói: “Tôi cho rằng khu vực Punggye-ri đã bị tàn phá nghiêm trọng. Nếu Triều Tiên cương quyết thử hạt nhân lần 7 ở đây, có khả năng phóng xạ rò rỉ ra môi trường bên ngoài”.

Hong Tae-kyung, giáo sư nghiên cứu khoa học Trái đất tại Đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc nói: “Lý do Triều Tiên chỉ thử hạt nhân ở Punggye-ri là vì nơi này có cấu trúc hết sức ổn định, rất hiếm khi xảy ra động đất”.

Bãi thử hạt nhân Triều Tiên phút chốc bị phá tan? - 2

Trận động đất sáng ngày 13.10 làm rung chuyển cả Trung Quốc và Nga. Ảnh minh họa.

“Nhưng các trận động đất tự nhiên gần Punggye-ri thời gian qua có thể là dấu hiệu cho thấy vỏ Trái đất đã bị biến dạng”, ông Hong Tae-kyung nói.

Nếu nhận định của các chuyên gia là chính xác, chương trình hạt nhân Triều Tiên có thể bị giáng đòn mạnh mẽ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể ra lệnh xây bãi thử hạt nhân  ở khu vực khác hoặc đơn giản là thử bom hạt nhân ngay trên mặt đất.

Một vấn đề khác có thể ngăn Triều Tiên thử hạt nhân ở Punggye-ri là hoạt động núi lửa của dãy Trường Bạch gần đó, ông Hong nói.

Ngọn núi cao 2,744 mét này đóng vai trò là biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Lần cuối cùng núi Trường Bạch thức giấc là vào năm 1903.

Theo các chuyên gia, việc Triều Tiên thử hạt nhân ở Punggye-ri càng làm gia tăng nguy cơ khiến núi lửa phun trào.

Triều Tiên lại doạ bắn loạt tên lửa vào đảo Guam

Đảo Guam chỉ cách Bình Nhưỡng 3.400 km, hoàn toàn nằm trong “tầm phủ sóng” của tên lửa đạn đạo Triều Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Express ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN