Bài học cho một gia đình chống tiêm vaccine Covid-19 ở Mỹ
Sau khi hỏi thăm 169 bệnh viện, cuối cùng gia đình Robby Walker, ở bang Florida, Mỹ cũng tìm được một cơ sở nhận điều trị Covid-19 cho ông. Câu chuyện của bệnh nhân 52 tuổi này chắc chắn thay đổi suy nghĩ của nhiều người vẫn đang hoài nghi về việc nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay không.
Trải qua hành trình điều trị khắc nghiệt, bệnh nhân Covid-19 Robby Walker đã được cứu sống và cảm thấy hối hận vì không tiêm phòng
Không kiếm nổi một suất ở 169 bệnh viện
Chỉ vài tuần trước, Robby Walker phải thở máy do virus SARS-CoV-2 đã khiến ông bố của 6 người con viêm nặng cả hai phổi. Giống như hầu hết những người Mỹ nhập viện vì Covid-19, Walker chưa tiêm vaccine. Không ai biết chính xác người đàn ông này nhiễm bệnh khi nào và ở đâu. “Chúng tôi tin rằng nó đã xảy ra vào cuối tuần lễ mừng Quốc khánh”, bà Susan Walker, vợ ông nói. Hôm đó, họ hàng và bạn bè của họ tụ tập, rủ nhau đi chơi, ăn nhà hàng và không ai trong gia đình họ tiêm phòng. Susan đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào tháng 12-2020 nên tin rằng kháng thể có sẵn sẽ bảo vệ bà. Những người còn lại trong gia đình Walker thì cứ chần chừ do phân vân về việc liệu họ có thể bị các tác dụng phụ lâu dài do vaccine hay không.
Trong vòng vài ngày, ông Robby phát sốt và có kết quả dương tính với Covid-19. Ngay sau đó, 11 thành viên khác trong gia đình và bạn bè du ngoạn trên thuyền cùng chuyến đều nhiễm bệnh. Riêng ông Robby tiến triển nặng nhất và phải nhập viện cấp cứu. Ngày 25-7, Robby gọi điện cho vợ từ giường bệnh báo rằng ông đã ký vào các giấy tờ để đặt nội khí quản. Một số bệnh nhân Covid-19 được đặt máy thở nhưng không qua khỏi. Cuộc gọi cuối cùng về gia đình trước khi đặt nội khí quản cũng là lần cuối cùng của họ. “Ông ấy đã khóc và chỉ nói với tôi rằng ông ấy đã hối hận như thế nào khi không tiêm phòng. Và ông ấy bảo tôi nhất định phải đi tiêm vaccine”, bà Susan kể.
Mười ngày sau khi Robby được đặt nội khí quản, một bác sĩ nói với Susan rằng chồng bà có thể không qua khỏi nhưng bà không chấp nhận điều đó. Susan hỏi về khả năng cấy ghép phổi nhưng được biết danh sách chờ ghép phổi rất đông do bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến. Một lựa chọn khác là ECMO: oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể. ECMO đôi khi có thể được sử dụng như một phương sách cuối cùng cho những bệnh nhân Covid-19 nặng, hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể để tim và phổi thực sự có thể có cơ hội phục hồi. Nhưng với số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện thời điểm đó ở Florida, Robby khó có thể được điều trị bằng ECMO.
Đầu tháng 8-2021, các thành viên trong gia đình Walker đã gọi điện đến các bệnh viện ở Florida, Georgia, Louisiana, Alabama rồi Virginia, tổng cộng tới 169 bệnh viện để xem họ có thể nhận điều trị bằng ECMO hay không, nhưng câu trả lời là không. Susan trả lời phỏng vấn trên CNN, cảm thấy tuyệt vọng để có thể cứu chồng mình.
Từ thay đổi suy nghĩ đến hành động
Hôm đó, bác sĩ Robert Gallagher tình cờ thấy một đoạn video về cuộc phỏng vấn của Susan trên Facebook, đồng thời kết nối để đưa Robby Walker đến Connecticut. Nhưng hành trình từ Florida đến Connecticut thật gian nan. Robby vẫn đặt nội khí quản, và được đưa lên một chuyến bay y tế được trang bị đặc biệt.
Susan không được phép bay cùng chồng. Vì vậy, bà, mẹ chồng và con gái lớn đã lái xe suốt 22 tiếng đến Connecticut dài 2.200km. Ông Robby điều trị bằng ECMO tại Bệnh viện St. Francis ở Hartford, được bác sĩ Gallagher phụ trách. Susan gặp một cảnh tượng gây sốc, chồng bà nằm cạnh 2 ống dài 6m, lọc máu bên ngoài cơ thể. “Đó có lẽ là hình thức hỗ trợ tim phổi khắc nghiệt nhất”, bác sĩ Robert Gallagher nói.
Robby mất 22 ngày điều trị bằng phương pháp ECMO. May mắn vào ngày 2-9, tim và phổi của ông đã có thể hoạt động trở lại. Theo bác sĩ Gallagher, nếu không có ECMO, ông Robby Walker có lẽ đã không còn sống, nhưng chỉ 50-60% bệnh nhân Covid-19 sống sót dù điều trị bằng phương pháp này.
Robby Walker giảm 22kg sau khi nhập viện vì Covid-19. Sau nhiều tuần ốm thập tử nhất sinh, chủ doanh nghiệp xây dựng trước đây vốn thường xuyên tập thể dục giờ phải vật lộn để đứng dậy. Đáng nói, hiện giờ nhà Walker đặt một tấm biển trước cửa: “Nếu không tiêm phòng, bạn không thể vào nhà. Chúng ta sẽ nói chuyện ngoài sân”.
Robby cũng thích mọi người đeo khẩu trang hơn, vì phổi của ông đã tổn thương nên không đủ sức đối phó tốt với bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào khác. Và quan trọng hơn cả, những gì gia đình họ trải qua đã làm cho ít nhất 60 bạn bè, gia đình và đồng nghiệp thay đổi suy nghĩ để sẵn sàng tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.
Ngày 25-7, Robby gọi điện cho vợ từ giường bệnh báo rằng ông đã ký vào các giấy tờ để đặt nội khí quản. “Ông ấy đã khóc và chỉ nói với tôi rằng ông ấy đã hối hận thế nào vì không tiêm phòng. Và ông ấy bảo tôi nhất định phải đi tiêm vaccine”, bà Susan kể.
Cô gái từng muốn bị nhiễm Covid-19 để "chứng minh rằng bệnh này chỉ như ngộ độc thực phẩm", đã dương tính...
Nguồn: [Link nguồn]