Bài 1-Đập Tam Hiệp: Chén trà trong chậu nước lớn
Đập Tam Hiệp được thiết kế chế ngự con sông dài nhất Trung Quốc – sông Dương Tử. Tuy nhiên đợt mưa kỷ lục này cho thấy con đập vẫn hạn chế trong việc kiểm soát lũ.
Đập Tam Hiệp được xây dựng từ năm 1994, là dự án thủy điện lớn nhất thế giới. Đập Tam Hiệp được thiết kế không chỉ để sản sinh điện phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mà còn để chế ngự con sông dài nhất nước này – sông Dương Tử, bảo vệ hàng triệu con người khỏi các đợt lũ nguy hiểm. Con đập được xem là một biểu tượng của năng lực kỹ thuật của Trung Quốc, và đã trở thành một niềm tự hào quốc gia của nước này.
Nhưng nó đã không làm được như kỳ vọng, theo nhận định của nhà báo Nectar Gan của đài CNN chi nhánh tại Hong Kong. Nhà báo Nectar Gan chuyên thực hiện các bài viết về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt tập trung Trung Quốc.
Lợi không bù hại
Toàn bộ dự án tốn hết 200 tỉ nhân dân tệ (28,6 tỉ USD) và gần hai thập niên xây dựng. Để thực hiện dự án này, hơn một triệu con người dọc sông Dương Tử đã phải di dời. Chính phủ Trung Quốc hứa con đập sẽ bảo vệ cộng đồng khỏi lũ lụt, nhưng hiệu quả của lời hứa này thường xuyên bị đặt câu hỏi.
Những nghi ngờ này gần đây lại nổi lên, khi lưu vực sông Dương Tử hứng một lượng mưa lớn nhất trong gần 60 năm (kể từ đầu tháng 6), khiến con sông này và nhiều nhánh phụ cận trở nên quá tải.
Đã có hơn 158 người chết hoặc mất tích trong mùa mưa lũ năm nay, 3,67 triệu người phải sơ tán, 54,8 triệu dân bị ảnh hưởng, thiệt hại vật chất ước tính tới con số khổng lồ 144 tỉ nhân dân tệ (20,5 tỉ USD).
Lũ lụt gần hồ Bà Dương ở huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) ngày 15-7. Ảnh: STR/GETTY IMAGES
Tuy thế, nhà chức trách Trung Quốc vẫn khẳng định đập Tam Hiệp đã thành công trong đảm nhiệm “vai trò chủ chốt” can thiệp dòng lũ. Nhà điều hành con đập – Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc – thông tin với Tân Hoa xã là con đập đã giữ lại được 18,2 tỉ m3 nước lũ. Một quan chức thuộc Bộ Nguồn nước Trung Quốc nói với báo China Youth Daily rằng con đập đã “hạn chế hiệu quả tốc độ và quy mô mực nước dâng” ở các nhánh trung và hạ lưu sông Dương Tử.
Tuy nhiên nhiều trạm đo quan sát dòng chảy ở lưu vực sông Dương Tử đã ghi nhận mực nước cao kỷ lục trong mùa hè này. Nhiều nhà địa chất cho rằng thực tế này cho thấy rõ ràng vai trò kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp rất hạn chế.
Chỉ là chén trà trong chậu nước lớn?
Trước tiên, phải thừa nhận đập Tam Hiệp là một cấu trúc gây sửng sốt, theo nhà báo Nectar Gan.
Đây là một trong những con đập nhân tạo trên trái đất có thể nhìn thấy được bằng mắt thường từ trên không gian, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Con đập cao 181 m và rộng 2.335 m trên sông Dương Tử.
Con đập rộng lớn này hoàn thành vào năm 2006. Nhà máy thủy điện hoàn thành xây dựng năm 1992 với tổng công suất phát điện 22.500 megawatts, gấp ba công suất của đập Grand Coulee – con đập lớn nhất ở Mỹ.
Tuy nhiên theo thông báo của chính phủ Trung Quốc năm 1992 thì lý do hàng đầu xây dựng con đập không phải là để sản xuất điện, mà là để ngăn lũ.
Phương thức hoạt động của con đập như sau: con đập nằm trên thượng nguồn sông Dương Tử và giúp ngăn lũ ở hạ nguồn bằng cách ngăn nước lại trong một hồ chứa khổng lồ, sau đó kiểm soát mức xả ra thông qua các cửa xả.
Đập Tam Hiệp xả nước để giảm áp lực lũ ở huyện Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày 19-7. Ảnh: STR/GETTY IMAGES
Trong mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau), mực nước hồ chứa được giữ tối đa mức 175 m3 để tối ưu hóa công tác phát điện. Trước khi mùa mưa đến vào tháng 6, mực nước hồ chứa sẽ giảm dần xuống còn 145 m3 để chừa chỗ đón nước mưa.
Việc giảm mực nước sẽ tạo khoảng không đủ chứa 22 tỉ m3 – tương đương gần chín triệu hồ bơi tiêu chuẩn Olympic. Nhưng điều này không nghĩa lý gì nếu so với lượng nước đổ vào hồ trong những năm mưa lớn, theo nhà địa chất Fan Xiao – vốn từ lâu nghi ngờ về hiệu quả ngăn lũ của con đập.
Theo tính toán của ông Fan, trong “một mùa lũ thế kỷ” phải có tới hơn 244 tỉ m3 nước – tương đương gấp hai lần lượng nước ở Biển Chết – chảy qua đập Tam Hiệp trong hai tháng. Sức chứa của hồ chứa con đập chỉ có thể xử lý được 9% lượng nước khổng lồ này.
“Giống như dùng một cái chén nhỏ xử lý một cái chậu nước lớn. Nếu nói về kiểm soát lũ thì chi phí bỏ ra cho con đập chắc chắn đã vượt quá những gì thu được” – theo ông Fan.
Bên cạnh đó, con đập chỉ có thể giữ nước trong thời gian hạn chế, vì phải tạo khoảng không để đón lượng nước mưa tiếp theo, đặc biệt trong mùa mưa lớn và dai dẳng như hiện tại.
Tháng trước đã có tới ba đợt lũ tấn công đập Tam Hiệp. Kể từ cuối tháng 6, con đập đã phải mở các cửa xả lũ nhiều lần để xả bớt nước từ hồ chứa, gây nên sự lo lắng, chỉ trích lẫn đồn đoán về năng lực kiểm soát lũ cũng như khả năng trụ được của con đập.
Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc bác bỏ các đồn đoán này và khẳng định với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng con đập đã giúp làm chậm lại và dịu bớt dòng nước lũ chảy về hạ nguồn.
Tuy nhiên thực tế hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây hiện vẫn chịu mức lũ cao nhất trong lịch sử - vượt hết các kỷ lục trước đó đã được ghi nhận trong đợt mưa lũ năm 1998 làm hơn 3.000 người chết. Nhiều khu vực hạ nguồn khác cũng ghi nhận mức lũ phá các kỷ lục trước.
Đập Tam Hiệp không thể ngăn được lũ lớn
Giáo sư danh dự về địa lý David Shankman tại đại học Alabama (Mỹ) - từng nghiên cứu về lũ ở sông Dương Tử - cho rằng mực nước lũ kỷ lục cho thấy con đập Tam Hiệp không thể ngăn được các đợt lũ nghiêm trọng.
Theo Giáo sư Shankman, nhiều nghiên cứu do nhiều nhà khoa học Trung Quốc lẫn nước ngoài thực hiện nhiều năm qua cho thấy hồ chứa đập Tam Hiệp có giúp ngăn lũ trong những trường hợp mưa thông thường, nhưng lại quá nhỏ để có thể hạn chế đáng kể lượng nước chảy về hạ nguồn trong trường hợp có lũ lớn.
Ảnh đập Tam Hiệp chụp từ trên không ngày 2-8. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Phó Giáo sư Miroslav Marence chuyên về trữ nước và thủy điện tại Viện Giáo dục Nước IHE Delft (Hà Lan) nhận định vấn đề không phải nằm ở thiết kế con đập mà là ở sự kỳ vọng rằng con đập có thể giải quyết tất cả vấn đề lũ lụt ở sông Dương Tử - con sông lớn thứ ba thế giới.
“Không thể làm được điều này chỉ với một con đập” – theo ông Marence.
Ví dụ, theo ông, con đập Tam Hiệp có thể giảm nước lũ từ thượng nguồn ở một quy mô nào đó, nhưng sẽ không thể ngăn được lũ trong trường hợp mưa quá lớn ở trung và hạ nguồn sông Dương Tử.
Một phần nữa của vấn đề là mùa hè này mưa lũ quá khủng khiếp ở nam và trung Trung Quốc. Lượng nước mưa này đi thẳng xuống hạ nguồn mà không đi qua con đập.
(Mời bạn đọc đón đọc Bài 2-Đập Tam Hiệp: Trung Quốc sẽ phải có giải pháp?)
Một video mô phỏng hậu quả thảm khốc nếu sự cố vỡ đập Tam Hiệp xảy ra được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội...
Nguồn: [Link nguồn]