Bác sĩ viết tâm thư cảnh báo về thái độ chủ quan trước Covid-19 ở Italia
Bác sĩ làm việc giữa tâm dịch Covid-19 tại Italia cho rằng sự hoảng loạn thật ra còn không tồi tệ bằng việc lơ là và chủ quan với loại dịch bệnh này.
Bác sĩ Daniele Macchini, hiện đang công tác tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni ở thành phố Bergamo, phía bắc Italia, đã có những cảnh báo về sự nguy hiểm của thái độ tự mãn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong một bài đăng dài trên Facebook.
“Sau khi suy nghĩ rất nhiều về việc có nên viết về những gì đang xảy ra với chúng tôi hay không, tôi cảm thấy sẽ thật vô trách nhiệm nếu tiếp tục giữ im lặng,” bác sĩ Mac Macini viết trong bài đăng của mình, được dịch sang tiếng Anh bởi Tiến sĩ Silvia Stringhini, một nhà dịch tễ học và nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe toàn cầu của Đại học Geneva, Thụy Sĩ.
“Do đó, tôi sẽ cố gắng truyền đạt cho những người ở xa về tình hình thực sự ở Bergamo, nơi chúng tôi đang sống, trong những ngày xảy ra dịch Covid-19. Tôi hiểu rằng không cần thiết phải tạo ra sự hoảng loạn, nhưng khi thông điệp về sự nguy hiểm từ những gì đang xảy ra vẫn chưa được nhiều người lắng nghe, tôi đã cảm thấy rùng mình.
Tại Bergamo, một thành phố có khoảng 122.000 dân, cách Milan khoảng 48 km về phía đông bắc, đã có 1.245 người bị chẩn đoán nhiễm Covid-19, biến nơi đây thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất tại Italia.
Bản thân tôi đã từng theo dõi với sự kinh ngạc về việc tổ chức lại toàn bộ bệnh viện nơi tôi làm trong tuần qua, khi kẻ thù hiện tại của chúng tôi vẫn còn trong bóng tối: các phòng bệnh trở nên vắng vẻ, việc khám tự chọn của bệnh nhân bị gián đoạn.
Tất cả những thay đổi chóng mặt này đã mang đến bầu không khí im lặng và trống rỗng hữu hình ở mọi hành lang của bệnh viện, mà chúng tôi lúc đó vẫn chưa hiểu tại sao, như thể đang chờ đợi một cuộc chiến chưa biết khi nào sẽ bắt đầu, và nhiều người (trong đó có tôi) đều không lường trước nó sẽ khốc liệt như thế nào.
Bác sĩ Daniele Macchini (Ảnh: bệnh viện Humanitas Gavazzeni)
Hiện tại, cuộc chiến đã bùng nổ theo đúng nghĩa đen, với các trận chiến không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Các phòng khám lần lượt chật kín bệnh nhân trên giường. Các bảng tên của họ, vốn được đánh màu khác nhau tùy thuộc vào loại hình phẫu thuật, giờ đây đều có màu đỏ và thay vì ghi rõ kết quả chẩn đoán và phẫu thuật, chúng đều được ghi mấy chữ: "viêm phổi kẽ hai bên" (viêm cả 2 lá phổi).
Bác sĩ Macchini cũng kêu gọi mọi người đừng nên coi dịch Covid-19 giống như những dịch cúm thông thường khác:
“Bây giờ, hãy giải thích cho tôi có loại cúm nào nhanh chóng gây ra tấn thảm kịch này hay không…Và trong khi vẫn còn nhiều người khoe khoang rằng bản thân không sợ dịch, bằng cách phớt lờ hay thậm chí phản đối các chỉ dẫn từ bác sĩ, chỉ vì chúng khiến thói quen thường ngày của họ “tạm thời bị gián đoạn”, thảm họa dịch tễ học vẫn đang diễn ra.
Chẳng còn phân biệt bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu, hay bác sĩ chỉnh hình nữa, chúng tôi bị gộp thành một đội ngũ bác sĩ duy nhất đương đầu với một cơn sóng thần đang nhấn chìm tất cả.
Những trường hợp nhiễm bệnh cứ ngày một tăng lên theo cấp số nhân, chúng tôi trung bình phải tiếp từ 15 đến 20 ca bệnh mỗi ngày với cùng một nguyên nhân duy nhất. Hết lần này đến lần khác, những lần phết họng đều ra kết quả dương tính, dương tính và dương tính. Phòng cấp cứu như thể sắp ‘vỡ trận’ đến nơi.
Tôi thấy rõ sự mệt mỏi trên gương mặt những bác sĩ, dù họ chẳng mảy may để ý điều này bất chấp khối lượng công việc khổng lồ mà họ đang phải làm. Tôi cũng thấy rõ tinh thần đoàn kết của tất cả chúng tôi, những người không bao giờ ngần ngại đến gặp những đồng nghiệp thực tập của mình để hỏi: ‘Tôi có thể giúp gì cho bạn vào giờ này?’
Bác sĩ Macchini khuyên mọi người đừng coi Covid-19 giống như một loại cúm thông thường (Ảnh: Sky News)
Các bác sĩ giờ đây thường kiêm cả việc chuyển giường, chuyển bệnh nhân lẫn điều dưỡng thay cho y tá. Nhiều người đã rơi nước mắt vì không thể cứu sống được tất cả mọi người, khi điện tâm đồ của một số bệnh nhân cho thấy số mệnh của họ đã an bài.
Không còn khái niệm ca làm việc, hay giờ làm việc nữa. Chúng tôi bị đình chỉ mọi hoạt động xã hội, cũng như không thể về nhà vì lo sợ sẽ lây bệnh cho gia đình. Một số người trong chúng tôi vẫn bị nhiễm Covid-19 dù đã tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt,
Vì vậy, các bạn hãy kiên nhẫn, đừng đi đến nhà hát, bảo tàng hoặc phòng tập thể dục. Hãy cố gắng rủ lòng thương đến những người già dễ bị nhiễm bệnh.
Cuối cùng, tôi thừa nhận mình không thể nào hiểu được cuộc chiến này. Điều duy nhất tôi được chứng kiến là tình trạng khan hiếm khẩu trang, khi bên ngoài không còn khẩu trang nào để bán nữa. Dù chưa đọc nhiều nghiên cứu về Covid-19, nhưng tôi cho rằng sự hoảng loạn thật ra còn không tồi tệ bằng việc lơ là và chủ quan với loại dịch bệnh này.”
Italia hiện có hơn 10.000 ca dương tính và hơn 600 ca tử vong bởi Covid-19, đưa nước này trở thành tâm dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Hai bệnh viện tạm cuối cùng ở tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã đóng cửa hôm 10/3, theo Tân Hoa xã. Như vậy,...