Bác sĩ TQ nhiễm Covid-19 da chuyển thành đen giờ thế nào?
Nguyên nhân khiến da của 2 bác sĩ Vũ Hán nhiễm Covid-19 chuyển thành màu đen cũng được đưa ra.
Video: 2 bác sĩ Yi và Hu khi đang điều trị tại Bệnh viện Tongji hôm 6/4. Nguồn: Đài truyền hình Bắc Kinh
Daily Mail hôm 12/5 đưa tin, Yi Fan, một trong hai bác sĩ Vũ Hán có làn da bị chuyển thành màu đen khi điều trị Covid-19, đã được xuất viện hồi tuần trước. Trong khi đó, Hu Weifeng, vị bác sĩ còn lại, vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Một phát ngôn viên của Bệnh viện Tongji, nơi điều trị cho 2 bác sĩ Vũ Hán, cho biết, màu da của bác sĩ Yi đã trở lại gần như bình thường. Video đăng tải trên Đài truyền hình Bắc Kinh cho thấy 2 bác sĩ nằm trên giường bệnh với làn da sẫm màu hôm 6/4 tại Bệnh viện Tongji ở thành phố Vũ Hán. Nhưng ảnh chụp hôm 9/5 cho thấy màu da của bác sĩ Yi đã sáng hơn rất nhiều.
Bác sĩ Yi thời điểm đã xuất viện hôm 9/5 (trái) và thời điểm chưa xuất viện hôm 6/4. Ảnh: CCTV
Nguyên nhân dẫn tới màu da chuyển đen của 2 bác sĩ nhiễm Covid-19 là do dùng một loại thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị, theo người phát ngôn của bệnh viện.
Giáo sư Duan Jun, phó giám đốc Khoa Y học chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện hữu nghị Trung-Nhật, cho biết nhân viên y tế đã sử dụng Polymyxin B, một loại kháng sinh, để điều trị cho 2 bác sĩ Yi và Hu.
Giáo sư Duan cho biết chính loại kháng sinh này đã gây tăng sắc tố trong cơ thể của 2 bác sĩ nhiễm Covid-19 nhưng tình trạng này sẽ dần biến mất khi tình trạng sức khỏe của cả 2 cải thiện, theo một video phát trên truyền hình Trung Quốc.
Trước đó, các chuyên gia cho rằng màu da bất thường của 2 bác sĩ là do mất cân bằng nội tiết tố sau khi virus SARS-CoV-2 tấn công gan.
Màu da thay đổi của bác sĩ Yi trước (trái) và sau khi điều trị Covid-19. Ảnh: WCH, BTS
Màu da thay đổi của bác sĩ Hu trước (trái) và sau khi điều trị Covid-19. Ảnh: PV, BTS
Bác sĩ Yi và bác sĩ Hu, cùng 42 tuổi, được xác định nhiễm Covid-19 vào ngày 18/1 khi đang điều trị cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.
Cả 2 bác sĩ này đều là đồng nghiệp với cố bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về Covid-19 ở Trung Quốc và mất hôm 7/2 vì chính căn bệnh này.
Theo đài truyền hình CCTV của Trung Quốc, 2 bác sĩ Yi và Hu được đưa tới Bệnh viện phổi Vũ Hán trước khi chuyển tới chi nhánh Zhongfa Xincheng của Bệnh viện Tongji.
Tình trạng của Yi, một bác sĩ tim mạch, đã cải thiện rõ rệt sau 39 ngày sử dụng máy hỗ trợ sự sống ECMO. Chia sẻ với CCTV khi còn nằm trên giường bệnh hôm 20/4, bác sĩ Yi nói đã gần như hồi phục hoàn toàn khi có thể di chuyển trên giường như bình thường nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tự đi lại.
Vị bác sĩ 49 tuổi chia sẻ chiến đấu với dịch bệnh chết người đã khiến anh gần như suy sụp. "Lần đầu tiên tỉnh lại và biết màu da của mình sạm đen, tôi cảm thấy rất sợ. Ác mộng thường xuyên ập đến với tôi".
Nhưng nhờ các đồng nghiệp động viên, bác sĩ Yi đã cố gắng vượt qua rào cản tâm lý.
Một video của Đài truyền hình Bắc Kinh quay cảnh bác sĩ Zhan Qingyuan, làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Trung-Nhật và là người điều trị chính cho 2 bác sĩ, đã tới thăm 2 đồng nghiệp Yi và Hu tại khu điều trị hôm 6/4 ở Bệnh viện Tongji.
2 bác sĩ nhiễm Covid-19 có da bị chuyển đen được đồng nghiệp tới thăm hôm 6/4. Ảnh: BTS
Khi đó, bác sĩ Yi đã có thể nói chuyện còn bác sĩ Hu chỉ có thể ra dấu bằng tay. Tình trạng của bác sĩ Hu nghiêm trọng hơn khi vị bác sĩ chuyên về tiết niệu này đã phải nằm giường 99 ngày. Bác sĩ Li Shusheng, người tiếp quản việc điều trị cho Hu sau khi bác sĩ Zhan trở về Bắc Kinh, nhận định sức khỏe tổng thể của Hu sau khi nói được vẫn rất yếu, đặc biệt là bất ổn về tinh thần.
"Ông ấy nói chuyện không ngừng với nhân viên y tế khi họ tới kiểm tra sức khỏe", bác sĩ Li nói.
Bác sĩ Hu phải sử dụng máy ECMO từ ngày 7/2 đến ngày 22/3 và có thể nói chuyện từ ngày 11/4. Hiện tại, bác sĩ Hu vẫn đang phục hồi trong bệnh viện, giáo sư Duan cho biết hôm 9/5.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Da của hai bác sĩ tại bệnh viện Vũ Hán, Trung Quốc, chuyển thành màu đen sậm sau một thời gian điều trị Covid-19.