Bắc Kinh phản hồi lời Bộ trưởng Mỹ chuyện làm ăn ở Trung Quốc
Phản hồi lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói về chuyện làm ăn ở Trung Quốc, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng mình đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường tỉ dân.
Ngày 30-8, Trung Quốc (TQ) nhấn mạnh đang tích cực thúc đẩy quá trình mở rộng thị trường, sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói rằng nhiều doanh nghiệp Mỹ than phiền chuyện đầu tư ở TQ ngày càng khó khăn, hãng Reuters đưa tin.
Phát ngôn viên Đại sứ quán TQ tại Mỹ - ông Lưu Bằng Vũ nói rằng hầu hết trong số 70.000 công ty Mỹ đang kinh doanh tại TQ đều muốn ở lại và gần 90% trong số đó đều thu được lợi nhuận.
Ông Lưu nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường tỉ dân.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (trái) họp với với Bí thư Thành ủy TP Thượng Hải Trần Cát Ninh tại Thượng Hải ngày 30-8. Ảnh: AP
“TQ đang tích cực thúc đẩy quá trình mở cửa và nỗ lực cung cấp một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường, đẳng cấp thế giới được quản lý bởi một khuôn khổ pháp lý lành mạnh. TQ sẽ mở rộng cửa hơn nữa với thế giới bên ngoài” - theo ông Lưu.
Trong cuộc họp báo cùng ngày 30-8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân không trả lời trực tiếp bình luận từ phía Mỹ rằng thị trường TQ "khó đầu tư", thay vào đó lặp lại lời kêu gọi Washington thực hiện "các hành động thiết thực và có lợi hơn" để duy trì quan hệ song phương.
Dẫn lời Thủ tướng TQ Lý Cường, vị phát ngôn viên xác định sự tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi là những cách đúng đắn để cả hai bên hòa hợp.
Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận liên quan phản ứng phía TQ. Trong ngày 30-8, bà Raimondo nhắn gửi các doanh nghiệp Mỹ tại TQ rằng “hãy tiếp tục làm những gì bạn đang làm, chúng tôi muốn bạn ở đây đầu tư và phát triển”.
Trước đó, hôm 29-8, bà Raimondo nói rằng nhiều doanh nghiệp Mỹ chia sẻ họ đang đối mặt nhiều thách thức mới khi đầu tư vào TQ, bao gồm các khoản phạt không lý do, các sửa đổi không rõ ràng đối với luật phản gián, và cả nguy cơ doanh nghiệp bị khám xét.
“Tất cả những yếu tố đó dẫn đến sự không chắc chắn và khó đoán trước, khiến các doanh nghiệp tìm kiếm những cơ hội khác, các quốc gia khác để đầu tư” - bà Raimondo chia sẻ lại ý kiến mà các doanh nghiệp Mỹ nói với bà.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù từ chối lời kêu gọi của Bắc Kinh, nhưng Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết, chính phủ 2 nước vẫn có điểm đồng thuận.