Bắc Cực nóng bỏng

Vị trí địa lý mang tính chiến lược, giàu tài nguyên thiên nhiên, sự hình thành các tuyến đường biển mới do biến đổi khí hậu… đã khiến Bắc Cực đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia.

Tranh chấp ảnh hưởng vì những lợi ích to lớn

Theo The Economist, 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực là Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga đã lập nên Hội đồng Bắc Cực (một cộng đồng khoa học và chính sách), nhằm đưa ra phần lớn quyết định tại đây.

Binh lính và xe quân sự Nga tại vùng Bắc Cực.

Binh lính và xe quân sự Nga tại vùng Bắc Cực.

Ngoài Hội đồng nói trên, còn có 13 quốc gia quan sát, trong đó có Trung Quốc. Với việc có nhiều nguồn tài nguyên chưa khai phá và được coi là một "con đường tơ lụa" mới, cuộc đua kiểm soát Bắc Cực đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Trên thực tế, phần lớn diện tích của Bắc Cực là băng và nước, với tình trạng nóng lên toàn cầu thì diện tích băng đang ngày càng bị thu hẹp. Khi băng tan, một hành lang vận chuyển tự nhiên nằm giữa Siberia và Alaska, nối liền eo biển Bering với biển Barents đã xuất hiện, thu hút sự chú ý rất lớn của các quốc gia trong Vòng Bắc Cực.

Bất chấp việc tuyến đường biển này bị đóng băng tới 9 tháng mỗi năm, đã có hơn 1.000 tàu chở hàng đi qua đây vào năm 2020, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Một số quốc gia gọi tuyến đường này là "con đường tơ lụa địa cực".

Hiện tại, Nga là quốc gia kiểm soát hành lang này, và thu được một khoản tiền không nhỏ từ phí thông hành. Tuy vậy, lợi ích về kinh tế đi kèm với rủi ro an ninh, khi hành lang băng vốn là lớp bảo vệ tự nhiên cho vùng biển phía bắc của Nga, việc băng tan khiến cho Moscow phải huy động nhiều nhân lực hơn để giữ an ninh bờ biển.

Ngoài bề nổi của Bắc Cực, đáy biển cũng đang là khu vực tranh chấp của các quốc gia trong khu vực, bởi băng tan khiến cho các mỏ dầu khí và khoáng sản trở nên dễ tiếp cận hơn.

Tuy nhiên, để có thể tuyên bố chủ quyền ở vùng nước ngoài lãnh hải (cách đường bờ biển hơn 22km), các quốc gia phải chứng minh diện tích đáy biển đó là phần mở rộng thuộc thềm lục địa của họ. Vấn đề địa lý đang gây ra nhiều tranh cãi giữa các quốc gia, điển hình là việc Canada, Đan Mạch và Nga đều tuyên bố quyền kiểm soát với Lomonosov Ridge - một dãy núi nằm dưới mặt nước của Bắc Cực.

Để thể hiện quyền kiểm soát của mình, Nga thậm chí đã cho tàu ngầm cắm một lá cờ bằng titan xuống đáy biển Bắc Cực vào năm 2007. Không chịu kém cạnh, vào năm 2013, Canada đã cấp hộ chiếu cho ông già Noel với địa chỉ là Bắc Cực. Tuy nghe có vẻ "hài hước", nhưng đây là một động thái nhằm khẳng định chủ quyền trong cuộc tranh giành với Nga, Mỹ hay Đan Mạch.

Ở thời điểm hiện tại, Nga đang là quốc gia có lợi thế lớn nhất tại Bắc Cực, nhưng khi diện tích băng tiếp tục thu hẹp, cuộc đua tranh giành ảnh hưởng sẽ lại nóng hơn bao giờ hết, như lời một lãnh đạo NATO đã nói vào tháng 6, "băng tan có thể dẫn tới căng thẳng địa chính trị mới".

Bản đồ 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực.

Bản đồ 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực.

Tác động từ căng thẳng Nga và Phương Tây

Vừa qua, tại thành phố Tromso (Na Uy) đã diễn ra Hội nghị Biên giới Bắc Cực (Arctic Frontiers). Đây là hội nghị thường niên được tổ chức từ năm 2007. Tham dự hội nghị thường có đại diện của 8 nước có đường biên giới với Bắc Cực và nhiều khách mời. Đáng chú ý, hội nghị năm nay không có phái đoàn Nga tham dự do căng thẳng ở Ukraine

Nga là một cường quốc Bắc Cực, đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực. Nga vẫn một mình tổ chức những hoạt động riêng mà không có sự tham gia của 7 nước phương Tây, những thành viên còn lại trong Hội đồng.

Hội nghị Biên giới Bắc Cực là diễn đàn để bàn bạc và giải quyết các vấn đề vô cùng quan trọng đối với thế giới về sinh thái, năng lượng, kinh tế, giao thông và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, vì căng thẳng Nga với các nước phương Tây mà hội nghị đang bị thiếu đi sự tham gia của một cường quốc Bắc Cực.

Không những thế, 7 nước phương Tây đang đề xuất thành lập cơ cấu hợp tác mới mà không có sự tham gia của Nga. Theo đó, tổ chức mới sẽ không căn cứ vào nền tảng địa lý (yếu tố không mang tính chính trị), mà dựa vào những nguyên tắc và giá trị chung.

Thực tế cho thấy, cánh cửa vẫn chưa khép hẳn đối với Nga. Tại hội nghị ở Tromso, các nhà khoa học Nga vẫn có bài phát biểu, dù được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Binh sĩ NATO tập trận gần Bắc Cực hồi tháng 3-2022.

Binh sĩ NATO tập trận gần Bắc Cực hồi tháng 3-2022.

Phó giáo sư Aleksandr Sautkin phụ trách bộ môn Triết học và Khoa học Xã hội, Đại học Tổng hợp Quốc gia Murmansk Bắc Cực cho biết: “Tôi có chút ngạc nhiên vì bản báo cáo của tôi vẫn nằm trong chương trình của hội nghị. Tôi đã đăng ký tham gia hội nghị này từ tháng 12-2021, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khá lâu".

Vị chuyên gia này cho biết bản báo cáo của ông nói về sự hợp tác xuyên biên giới. Tất cả bài phát biểu và thảo luận của ông tại hội nghị vẫn diễn ra theo lịch trình, các đối tác vẫn trao đổi với ông về tình hình hợp tác trong điều kiện hiện nay.

Trong khi đó, chuyên gia về các vấn đề Bắc Cực, Tiến sĩ Chính trị học, Giáo sư Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg Natalya Yeremina lại đánh giá tình hình có vẻ bi quan hơn.

“Bắc Cực đang định hình một cuộc đối đầu tương đối gay gắt, một bên là Mỹ cùng các đối tác của mình, một bên là Nga cùng các đối tác của mình, trong đó có cả các quốc gia không có gì liên quan với Bắc Cực. Quan điểm của người Anh rất rõ ràng là kiên quyết không để Nga hợp tác với Trung Quốc tại Bắc Cực”, bà Natalya Yeremina cho hay.

Theo vị chuyên gia này, Trung Quốc hiện nay do lo ngại các lệnh trừng phạt nên chưa tham gia tích cực vào việc kiến tạo tuyến đường biển phương Bắc. Phía Nga cũng không đề xuất với phía Trung Quốc tham gia vào hoạt động này vì đây là khu vực đặc quyền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, Moscow cũng đang đề xuất Bắc Kinh tham gia vào hoạt động vận chuyển trên tuyến đường này vì đây là một phương án an toàn và có giá thành thấp.

"Việc xây dựng tuyến đường biển phương Bắc là công việc nội bộ của Nga, là khả năng phát triển các vùng lãnh thổ phương Bắc xa xôi của Nga, và là lợi ích của nước Nga”, bà Natalya Yeremina nói.

Cuộc chạy đua ngầm

Câu hỏi mà giới quan sát đang quan tâm là liệu điều đó có dẫn đến một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới ở Bắc Cực hay không. Trung tâm của vấn đề là sự gần gũi về địa lý của hai siêu cường hạt nhân Mỹ và Nga, được kết nối thông qua Bắc Cực. Căng thẳng còn tăng cao do các hệ thống vũ khí hiện có, vì Bắc Cực là vị trí tốt nhất để hai cường quốc này tiến hành các cuộc tấn công chống lại nhau. Do tầm quan trọng chiến lược của nó, Bắc Cực đã trở thành một chủ đề tranh luận và thảo luận chính giữa các nhà quan hệ quốc tế.

Năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giao nhiệm vụ đến năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển trên tuyến đường biển phương Bắc của nước này phải đạt 80 triệu tấn.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bắc Cực đã từng là tiền tuyến trong cuộc đối đầu quân sự, một bên là Liên Xô, một bên là NATO mà đứng đầu là Mỹ. Trong những năm 1990, Nga chưa có tiềm lực để vươn tới Bắc Cực. Tình hình sau Chiến tranh Lạnh đã thay đổi rất nhiều. Hiện Nga cũng đang tìm cách triển khai lực lượng bổ sung để bảo vệ các lực lượng chiến lược của mình.

Các vấn đề đều bị biến đổi khí hậu chi phối. Bắc Cực đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà hoạch định chiến lược thế giới - sự thay đổi trong khu vực do điều kiện khí hậu đã mở ra các tuyến hàng hải mới. Hơn nữa, nó cũng tạo điều kiện cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên dưới nước và điều này đã dẫn đến cuộc đối đầu mới ở Bắc Cực.

Máy bay ném bom B-1B của Mỹ tiếp nhiên liệu tại khu vực gần Bắc Cực.

Máy bay ném bom B-1B của Mỹ tiếp nhiên liệu tại khu vực gần Bắc Cực.

Ngày nay, khi cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây càng đẩy lên cao, ý nghĩa chiến lược của Bắc Cực càng được quan tâm. Và dường như tại Bắc Cực đang diễn ra một cuộc chiến âm thầm thực sự.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lợi thế đang thuộc về phía Nga. Trên khu vực đất liền, cực Bắc của Nga đã triển khai 6 căn cứ quân sự. Tại Bắc Cực, Moscow cũng đã thiết lập những hệ thống phòng không đặc biệt, 10 sân bay quân sự đã đi vào hoạt động.

Theo chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Nga Vladimir Prokhvatilov, ưu thế chủ yếu của Nga ở Bắc Cực là hạm đội tàu phá băng hạng nặng. Nước này hiện có gần 40 tàu phá băng và 4 tàu phá băng chạy bằng hạt nhân đang được hoàn thành. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 2 tàu phá băng.

Việc Thụy Điển và Phần Lan đang nộp đơn gia nhập khối NATO một phần có lẽ do liên minh này muốn rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua với Nga ở Bắc Cực. Với địa hình tiếp giáp Bắc Cực, Thụy Điển và Phần Lan có 13 tàu phá băng và đều có khả năng triển khai rất nhanh.

Chuyên gia Prokhvatilov kết luận: “Muốn hay không, tương quan lực lượng giữa Nga và NATO tại Bắc Cực sẽ không thay đổi nhiều, cùng lắm là năm đấu với một, nghiêng về phía Nga. Do đó, các kế hoạch của Nga ở Bắc Cực, trong đó có kế hoạch quân sự, không vì thế mà chậm lại”.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ Na Uy gây khó dễ cho người Nga ở Bắc Cực: Moscow cảnh báo

Moscow cáo buộc Na Uy ngăn cản việc vận chuyển hàng hóa cho người Nga sống ở quần đảo Svalbard - nơi được xem là "gót chân A-sin" của NATO ở Bắc Cực. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Tiến ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN