Ba vũ khí thay đổi cục diện chiến trường Ukraine

Dù chú ý gần đây tập trung vào xe tăng phương Tây hay hệ thống phòng không Patriot với hy vọng thay đổi kết quả cuộc xung đột Nga - Ukraine, thì thực tế một số vũ khí trước đây đã giúp Kiev thay đổi cục diện chiến trường.

Hệ thống HIMARS tấn công từ Kherson, ngày 5/11/2022

Hệ thống HIMARS tấn công từ Kherson, ngày 5/11/2022

Dưới đây là ba vũ khí được đánh giá đã giúp Ukraine làm được điều đó.

Javelin

Ngay từ khi bắt đầu cuộc xung đột, hai bên đều cho rằng các xe tăng Nga sẽ lăn bánh vào thủ đô Kiev của Ukraine chỉ trong vài ngày. Ukraine cần thứ gì đó để đẩy lùi, và họ tìm thấy điều này ở tên lửa vác vai chống tăng Javelin.

Tên lửa Javelin được gọi là loại vũ khí “bắn rồi quên”, nghĩa là sau khi bắn, người thao tác có thể chạy đi tìm chỗ trốn trong khi tên lửa tìm mục tiêu để tấn công.

Điều này cực kỳ quan trọng trong những ngày đầu, vì lực lượng Nga khi đó thường di chuyển theo hàng để tiến vào các vùng đô thị. Lính Ukraine có thể bắn tên lửa Javelin từ một toà nhà hoặc sau cây rồi chạy trốn, trước khi bị bắn trả.

Tên lửa Javelin chứng tỏ hiệu quả tốt đến mức, chỉ 2 tháng rưỡi sau khi xung đột nổ ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đích thân đến thăm nhà máy của Lockheed Martin ở Alabama để động viên đội ngũ công nhân ở đó.

Một lợi thế khác của tên lửa Javelin, nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, đó là chấp nhận được về chính trị.

“Chi phí thấp và sử dụng vào mục đích phòng vệ khiến việc cung cấp chúng dễ dàng được chấp nhận về chính trị. Các chính phủ thường bất đồng về việc gửi những vũ khí đắt đỏ hơn như máy bay chiến đấu”, PGS Michael Armstrong, công tác tại ĐH Brock ở Ontario, đánh giá.

Lính Ukraine phóng tên lửa vác vai Javelin trong một đợt huấn luyện

Lính Ukraine phóng tên lửa vác vai Javelin trong một đợt huấn luyện

HIMARS

Tên đầy đủ của vũ khí này là Hệ thống pháo binh cơ động cao M142. Đây là loại vũ khí tấn công chính xác, đã được kiểm chứng có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm.

HIMARS gồm một chiếc xe tải 5 tấn, chở bệ phóng có thể phóng 6 tên lửa gần như cùng lúc, đưa các đầu đạn vượt xa tiền tuyến rồi nhanh chóng thay đổi vị trí để tránh bị phản công.

“Nếu Javelin là vũ khí biểu tượng trong giai đoạn đầu, HIMARS chính là vũ khí biểu tượng của các giai đoạn sau”, Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, viết trong bài đăng tháng 1 vừa qua.

HIMARS sử dụng vũ khí gọi là Hệ thống phóng loạt tên lửa dẫn đường (GMLRS), tầm xa 70 – 80km. Hệ thống dẫn đường bằng GPS giúp chúng tấn công cực kỳ chính xác, chỉ sai số khoảng 10m so với mục tiêu nhắm đến.

Tháng 7 năm ngoái, phóng viên người Nga Roman Sapenkov cho biết đã chứng kiến vụ tấn công bằng HIMARS vào căn cứ của Nga tại sân bay Kherson, khi lực lượng Nga đang kiểm soát ở đó.

“Tôi cực kỳ choáng váng khi cả lô 5 hay 6 tên lửa rơi xuống chính xác hoàn toàn”, Sapenkov viết.

Theo GS Yagil Henkin, công tác tại Trường Chỉ huy và tham mưu chiến lược Israel, những cuộc tấn công bằng HIMARS buộc Nga phải di chuyển các kho đạn ra xa hơn, từ đó làm giảm hoả lực sẵn có gần tiền tuyến và khiến công tác hậu cần khó khăn hơn. Việc sử dụng pháo tầm xa để tấn công những mục tiêu như cầu đường cũng làm gián đoạn công tác tiếp tế của Nga.

Một chiếc TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế

Một chiếc TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế

Máy bay không người lái Bayraktar TB2

Dòng máy bay không người lái (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trở thành một trong những loại UAV được biết đến nhiều nhất trên thế giới sau khi phát huy hiệu quả ở Ukraine.

Phương tiện tương đối rẻ, được lắp bằng những bộ phận sẵn có này có thể tạo ra những đòn tấn công chết người.

Các video cho thấy vũ khí này hạ gục xe thiết giáp, pháo binh và các tuyến hậu cần bằng tên lửa, rốc-két laser dẫn đường và bom thông minh mà nó mang theo.

“Những video gây sốt về TB2 là ví dụ hoàn hảo về chiến tranh hiện đại trong thời đại TikTok. Đây không phải vũ khí ma thuật, nhưng đủ tốt”, Aaron Stein, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại, viết trong bài đăng trên trang web của Hội đồng Đại Tây dương.

Theo Stein, nhược điểm của phương tiện này là tốc độ chưa đủ nhanh và dễ trở thành mục tiêu của các hệ thống phòng không. Số liệu trên chiến trường có vẻ cho thấy đúng như vậy. 17 trong tổng số 40-50 chiếc TB2 mà Ukraine nhận được đã bị phá huỷ trên chiến trường, theo thông tin trên trang web tình báo nguồn mở Oryx.

Tuy nhiên, Stein cho rằng chi phí thấp lấn át nhược điểm này, nghĩa là chúng có thể được thay thế dễ dàng.

Thực tế là kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp máy bay không người lái ở Ukraine đã được chuẩn bị trước khi xung đột nổ ra.

Những báo cáo gần đây từ Ukraine cho thấy TB2 có thể đang giảm vai trò khi lực lượng Nga đã tìm ra cách đối phó, nhưng những người yêu thích dòng máy bay này cho rằng chúng đã đóng vai trò quan trọng vào giai đoạn mà vị thế của Ukraine bấp bênh nhất.

Nga làm gì với vũ khí phương Tây thu được ở Ukraine?

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết các nhà sản xuất vũ khí nước này đã nghiên cứu kỹ lưỡng những loại vũ khí phương Tây thu được trên chiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Linh - CNN ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN