Ba rủi ro của Philippines nếu bắt tay Trung Quốc ở biển Đông

Tổng thống Philippines kỳ vọng việc khai thác chung dầu khí với Trung Quốc sẽ giúp giải quyết được tranh chấp ở biển Đông.

Người dân Philippines phản đối hành xử của Trung Quốc ở biển Đông năm 2016. Ảnh: RAPPLER

Người dân Philippines phản đối hành xử của Trung Quốc ở biển Đông năm 2016. Ảnh: RAPPLER

Tổng thống Rodrigo Duterte hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc (TQ) về việc chia sẻ nguồn dầu mỏ ở biển Đông tại khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines miễn là Manila được hưởng phần lớn hơn, theo ABS-CBN News đưa tin hôm 21-8.

“Đề xuất (khai thác dầu khí chung) với tỉ lệ 60/40 nghiêng về phía chúng ta là một khởi đầu tốt. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ dẫn tới một kết quả nào đó tích cực, như làm thế nào chúng ta có thể giải quyết một cách hòa bình phán quyết của Tòa Trọng tài” - ông Duterte phát biểu tại Romplon, một tỉnh đảo của Philippines ở Luzon.

Ba lý do Philippines muốn “bắt tay” với Trung Quốc

Vì sao ông Duterte muốn “bắt tay” với Bắc Kinh? Thứ nhất, Manila muốn né tránh xung đột và thiệt hại trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Từ sau sự kiện TQ tổ chức chiếm giữ bãi cạn Scarborough năm 2012, TQ không ngừng gây sức ép Philippines.

Ngoài các vụ cho tàu va đâm, đe dọa tàu ngư dân Philippines, TQ còn nhiều lần tiến hành vây hãm Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Việc gia tăng hoạt động quân sự hóa của TQ tại các đảo nhân tạo phi pháp trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Philippines có chiều hướng xấu đi khiến ông Duterte thiếu tự tin.

Tổng thống Duterte hôm 22-7 nói: “Khi ông Tập nói: “Tôi sẽ đánh bắt cá”, ai có thể ngăn được ông ấy? Nếu tôi gửi lực lượng thủy quân lục chiến đuổi ngư dân TQ, tôi đảm bảo không còn ai trong số họ trở về”. Trước đó, tại Diễn đàn Tương lai châu Á ở Tokyo (Nhật Bản) vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Duterte giãi bày: “Philippines rất nhỏ bé, chúng tôi không đủ khả năng gây chiến với bất cứ nước nào, không chỉ là với TQ”.

Thứ hai, Philippines dưới thời ông Duterte xem trọng lợi ích kinh tế với TQ hơn là câu chuyện xung đột ở biển Đông. Góc nhìn (cá nhân) của Tổng thống Duterte trong việc chia tỉ lệ 60/40 và “miễn là Philippines được phần nhiều hơn” cho thấy tính thực dụng trong chính sách của Manila. Ông Duterte lâu nay tiếp cận TQ theo kiểu mềm mỏng để đổi lại các lợi ích kinh tế. Mục tiêu của Manila chính là dòng tiền đầu tư, dòng khách du lịch, tăng kim ngạch xuất khẩu và các khoản vay có ưu đãi cao từ chính quyền Bắc Kinh.

Năm 2016, nhân chuyến thăm của ông Duterte tới Bắc Kinh, TQ đề xuất 15 tỉ USD đầu tư trực tiếp và giao dịch thương mại, 9 tỉ USD cho vay lãi suất thấp, hạn mức tín dụng trị giá 3 tỉ USD, theo hãng tin Bloomberg. Kèm theo đó, hàng triệu du khách TQ đến Philippines kỳ vọng mang lại những khoản lời lớn.

Cuối cùng, Manila muốn lấy “khai thác chung” để nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài. Chính quyền Duterte nhiều lần nhắc lại quan điểm ủng hộ đối với chủ trương hợp tác cùng chia sẻ tài nguyên (dầu khí, đánh bắt cá) với TQ. Theo đó, ông Duterte kỳ vọng đây sẽ là cơ sở để ông đưa vụ thắng kiện TQ tại Tòa Trọng tài năm 2016 đến chương trình nghị sự với người đồng cấp Tập Cận Bình tại TQ cuối tháng này.

“Tổng thống Duterte cho phép TQ đánh bắt cá ở biển Đông là để khẳng định quyền sở hữu của Philippines đối với vùng biển đang tranh chấp” - điện Malacañang tuyên bố hôm 18-7. Người phát ngôn của ông Duterte lý giải: “Nếu bạn tuyên bố chủ quyền và tự thấy rằng mình có chủ quyền (ở biển Đông) thì bạn mới có quyền cho phép nước khác đánh cá”.

Và ba rủi ro nếu bắt tay Trung Quốc

Việc ông Duterte lo ngại xung đột vũ trang cho thấy Manila mắc bẫy tâm lý của TQ. Bắc Kinh lâu nay cố gắng duy trì leo thang căng thẳng trong “vùng xám” bởi chiến tranh sẽ lợi bất cập hại với TQ: Mất uy tín, thiệt hại kinh tế, bị quốc tế phản ứng mạnh, gây sức ép lên sự đồng thuận chính trị trong nước, tạo cớ cho các nước thứ ba can dự mạnh.

Việc TQ muốn thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (COC) trong nhiệm kỳ Philippines làm điều phối viên quan hệ ASEAN - TQ (đến năm 2021) cho thấy TQ muốn tranh thủ quan hệ tốt với Manila, dùng “luật chơi riêng” giữa TQ với các quốc gia Đông Nam Á để đẩy Mỹ và đồng minh ra khỏi biển Đông mà không dùng vũ lực. Ngoài ra, việc TQ gia tăng sử dụng lực lượng tàu dân quân biển thay vì tàu chiến cho thấy TQ chỉ dọa chứ không chiến tranh. Khi đưa tàu gây rối trong EEZ Malaysia, Philippines và Việt Nam, nếu gặp phải phản ứng mạnh thì TQ đều tìm cách thoái lui.

Trong khi đó, xét ở góc độ kinh tế, chiến thuật “lấy mềm mỏng đổi lấy lợi ích” của ông Duterte chưa mang lại hiệu quả rõ nét. Cuối năm ngoái, PGS-TS Ronald U. Mendoza, ĐH Ateneo de Manila (Philippines), nhận định những số liệu kinh tế sau khi Philippines nối lại quan hệ hữu nghị với TQ vẽ lên một bức tranh hỗn tạp. Theo đó, đầu tư và thương mại không gia tăng ở mức đáng kể dù lượng du khách và người lao động TQ có tăng.

Dù có nguồn thu từ du lịch nhưng Philippines phải đối mặt thách thức từ người lao  động TQ: Giảm việc làm đối với người dân Philippines; bất ổn an ninh quốc gia, đặc biệt trong vấn đề tình báo. Đài ABS-CBN hôm 31-7 đưa tin hai du khách TQ bị bắt quả tang chụp ảnh bên trong cơ sở hải quân Tide Pole của hải quân Philippines ở Parola tại tỉnh Palawan.

Cuối cùng, nếu ông Duterte có ý định “cấp phép cho TQ” khai thác dầu khí, đánh cá chung trong EEZ của mình để yêu cầu TQ tôn trọng phán quyết của tòa hoặc thừa nhận chủ quyền của Philippines tại vùng khai thác chung thì thật sai lầm. Việc khai thác chung, về luật pháp quốc tế, chỉ tiến hành ở các vùng biển tranh chấp (nằm ngoài EEZ và thềm lục địa không có chồng lấn của quốc gia). Phán quyết của tòa năm 2016 đã xóa sạch yêu sách đường chín đoạn của TQ. Vậy nên nếu Philippines để TQ khai thác chung nghĩa là thừa nhận vùng biển của quốc gia thành vùng biển có tranh chấp, qua đó thừa nhận sự hiện diện của đường chín đoạn phi pháp mà TQ ngang ngược theo đuổi.

Cho Trung Quốc khai thác trong EEZ là vi hiến

Chính phủ Philippines không thể cho phép ngư dân TQ đánh cá ở EEZ của Philippines vì điều đó vi phạm hiến pháp. Theo điều 12 mục 2 của hiến pháp, chính phủ phải bảo vệ các nguồn tài nguyên ở vùng nước quần đảo, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đảm bảo đặc quyền khai thác, sử dụng của người dân Philippines ở đó.

Người dân Philippines có đặc quyền đánh bắt cá, khai thác dầu khí và các khoáng sản khác trong EEZ của họ. Quyền chủ quyền này thuộc về người Philippines và không có bất kỳ quan chức nào có thể từ bỏ quyền này mà không có sự đồng ý của người dân.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines ANTONIO CARPIO 
nói với tờ Philstar 

Trung Quốc đưa tàu chiến vào lãnh hải, Tổng thống Philippines tỏ thái độ cứng

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 20/8 cảnh báo, các tàu nước ngoài xâm nhập trái phép vào lãnh hải nước này sẽ phải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Thiện ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN