Bà Le Pen: EU đang "trừng phạt" Pháp nhiều hơn trừng phạt Nga
Marine Le Pen – lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Pháp – cho rằng, các biện pháp trừng phạt EU đang áp đặt với Nga là “hoàn toàn không hiệu quả”.
Bà Le Pen – lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (ảnh: RT)
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của kênh BMF TV (Pháp) hôm 10.7, bà Le Pen – người mới đây tham gia tranh cử Tổng thống Pháp – cho rằng, các lệnh trừng phạt thiếu tính toán của EU đang gây hại cho Pháp.
“EU đang khiến Nga mạnh mẽ hơn. Họ trừng phạt Pháp nhiều hơn trừng phạt Nga”, bà Len Pen nhận xét.
Bà Le Pen nhấn mạnh, do EU có lệnh hạn chế nhập khẩu dầu Nga, Pháp buộc phải mua dầu từ Ấn Độ. Tuy nhiên, đây lại là quốc gia đang nhập khẩu số lượng lớn dầu Nga. Như vậy, Pháp đang gián tiếp mua dầu Nga với giá cao hơn.
Phát biểu của bà Le Pen được đưa ra khi EU có kế hoạch “đoạn tuyệt” với năng lượng Nga vào năm 2030. Đây được cho là biện pháp đáp trả Nga của EU, khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Một báo cáo gần đây của Bloomberg cho hay, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng kinh tế Nga đang phục hồi nhanh hơn dự kiến.
Cụ thể, các chuyên gia kinh tế từ JPMorgan Chase, Citigroup và nhiều tổ chức tài chính lớn khác cho rằng, quy mô nền kinh tế Nga chỉ giảm 3,5% trong năm 2022. Giới chức Moscow từng dự đoán mức giảm lên tới 12%, nhưng đang chuẩn bị để đưa ra mức dự báo thấp hơn một nửa.
Ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Nga đối với EU dường như thể hiện rõ hơn ở Đức – quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh nhất Liên minh châu Âu.
Hôm 5.7, Đức đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại tháng đầu tiên trong hơn 30 năm.
Cụ thể, xuất khẩu tháng 5 của Đức đã giảm 0,5% so với tháng 4, trong khi nhập khẩu tăng 2,7%. Kết quả là cường quốc công nghiệp này đã nhập siêu khoảng một tỷ euro. Trong khi đó, thặng dư thương mại của Đức vào tháng 4.2022 và tháng 5.2021 lần lượt là 3,1 tỷ euro và 13,4 tỷ euro.
Đây là lần đầu tiên Đức chứng kiến thâm hụt thương mại tháng kể từ năm 1991.
Pháp đang tăng cường mua dầu của Ấn Độ nhằm thay thế dầu Nga (ảnh: RT)
Cán cân thương mại Đức thay đổi chủ yếu là do giá nhiên liệu cao. Do các lệnh trừng phạt của EU, Đức bị hạn chế mua nhiên liệu giá rẻ của Nga và phải tìm đến các nhà cung cấp năng lượng khác. Trong khi xuất khẩu sang Nga giảm mạnh, nhiều ngành công nghiệp của Đức cũng đứng trước nguy cơ đình trệ cho thiếu hụt năng lượng.
Hôm 8.7, Tổng thống Nga cho rằng, các biện pháp trừng phạt ngành năng lượng Nga do phương Tây áp đặt đang khiến thị trường toàn cầu “phát sốt”. Nguyên nhân là giá dầu mỏ và khí đốt “tăng đột biến”.
“Việc phương Tây tiếp tục áp đặt biện pháp trừng phạt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, thậm chí là thảm khốc, trên thị trường năng lượng toàn cầu”, ông Putin cảnh báo.
Nguồn: [Link nguồn]
Ukraine muốn sở hữu một “binh đoàn máy bay không người lái” nhằm thực hiện các nhiệm vụ ở tiền tuyến trong xung đột với Nga.