Ba Lan và sự trở lại của thủ tướng Donald Tusk
Việc ông Tusk quay trở lại làm thủ tướng Ba Lan dấy lên hy vọng về mối quan hệ suôn sẻ hơn giữa Ba Lan với phần còn lại của Liên minh châu Âu.
Ngày 11-12, với 248 phiếu thuận và 201 phiếu chống, Quốc hội Ba Lan ủng hộ ông Donald Tusk trở thành tân thủ tướng của nước này. Quyết định trên đã chấm dứt tám năm cầm quyền của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) và đưa Ba Lan tiến tới việc cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), theo hãng tin Reuters.
Hàng loạt cải cách đối nội, đối ngoại
Ngay trong bài tuyên thệ nhậm chức hôm 13-12, ông Tusk đã cam kết rằng chính phủ của ông sẽ tuân theo hiến pháp của đất nước - một đòn dội nước lạnh nhắm vào chính phủ sắp mãn nhiệm vốn bị cáo buộc vi phạm hiến pháp trong khi cố gắng đặt hệ thống tư pháp dưới sự kiểm soát của họ, theo tờ Politico. “Trung thành với các điều luật của hiến pháp sẽ là thương hiệu của chính phủ mới” - ông Tusk tuyên bố.
“Ba Lan cuối cùng sẽ có lại một chính sách đối ngoại nghiêm túc thay vì một chính sách đối ngoại được cho là chỉ xoay quanh chính trị trong nước” - ông Roman Kuzniar, GS nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại ĐH Warsaw (Ba Lan), nói. |
Việc tập trung vào pháp quyền là một nỗ lực nhằm hàn gắn mối quan hệ của Ba Lan với Brussels. Ủy ban châu Âu đã chặn 35 tỉ euro tiền tài trợ và cho vay nhằm phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng như 76,5 tỉ euro phát triển thường xuyên của EU do Ba Lan, do cáo buộc Warsaw vi phạm các nguyên tắc dân chủ của khối.
Về đối ngoại, ông Tusk cho biết mục tiêu của ông là “củng cố quyết tâm của châu Âu” trong việc hỗ trợ Kiev và củng cố niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của Ukraine trước Nga.
Ông cũng cam kết sẽ làm việc với các đối tác châu Âu để giải quyết tình trạng di cư bất thường, một vấn đề ngày càng được quan tâm ở Ba Lan và toàn châu Âu sau khi hàng ngàn người (chủ yếu đến từ Trung Đông) cố gắng vượt biên từ Belarus qua biên giới Ba Lan để được vào EU. “Ba Lan đã trở lại châu Âu. Đây là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của tôi” - ông nói.
Ngoài ra, theo tổ chức nghiên cứu và phân tích các vấn đề quốc tế The Jamestown Foundation, ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Tusk đã công bố ý định của chính phủ ông nhằm làm tan băng mối quan hệ với Đức. Hai nước thường xuyên xảy ra xung đột dưới thời chính phủ PiS về các vấn đề như khoản bồi thường chiến tranh của Đức cho Ba Lan. Chính phủ mới cũng có thể sẽ tìm cách cải thiện hình ảnh của Ba Lan như một quốc gia dân chủ để tạo ra những cơ hội hợp tác mới với các thành viên EU.
Nhìn chung, bốn ưu tiên chính nhằm định hình tương lai chính sách đối ngoại của Ba Lan dưới thời chính phủ ông Tusk bao gồm cải thiện triển vọng hợp tác với EU, tăng cường quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mở ra các cơ hội mới trong khu vực và đảm bảo sự hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine.
Tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Ảnh: AP
Vẫn còn trở ngại lớn trong quan hệ với Ukraine
Mặc dù tân Thủ tướng Tusk đã cam kết sẽ đưa Ba Lan trở lại khu vực châu Âu sau khi ông nhậm chức nhưng có ít nhất một trở ngại mà ông chưa thể vượt qua. Chính phủ của ông Tusk sẽ tiếp tục đóng cửa nhập khẩu nông sản của Ukraine, một thành viên cấp cao của chính quyền mới chia sẻ với Politico.
Lệnh cấm do chính phủ dưới thời PiS áp đặt vào tháng 4, đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lúa mì và ngô của Ukraine (nguồn thu xuất khẩu chính của Kiev). Lệnh cấm khiến quan hệ giữa Kiev và Warsaw căng thẳng từ đó và đặt Ba Lan vào tình thế bất đồng với phần còn lại của EU.
Chính quyền mới của Ba Lan được kỳ vọng sẽ là một đối tác đàm phán minh bạch hơn và dễ đoán hơn, tuy nhiên đó không phải là điều dễ dàng. Trong phép thử đầu tiên, đảng Nhân dân Ba Lan (PSL) - đảng sẽ nắm giữ Bộ Nông nghiệp Ba Lan dưới thời ông Tusk - đã báo hiệu ý định duy trì lệnh cấm nhập khẩu và mở rộng danh sách các sản phẩm Ukraine bị cấm.
Thành viên PSL và phục vụ trong Bộ Nông nghiệp Stefan Krajewski nói rằng hiện tại cần phải duy trì lệnh cấm vận này, đồng thời nhấn mạnh rằng nông dân và doanh nhân Ba Lan không nên chịu gánh nặng từ việc giúp đỡ Ukraine.
Dàn đồng ca chúc mừng tân Thủ tướng Donald Tusk Các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao trên khắp thế giới, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã chúc mừng ông Tusk và cho biết họ mong muốn được làm việc với chính quyền của ông, theo đài ABC News. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sử dụng tiếng Ba Lan để gửi thông điệp chúc mừng của mình tới tân Thủ tướng Donald Tusk “thân mến”. “Ông Donald Tusk muốn Ba Lan trở lại là trung tâm của EU và đó là vị trí của họ. Tôi rất vui vì được sát cánh cùng Ba Lan, chúng ta có thể cùng nhau phát triển EU và quan hệ Ba Lan - Đức” - ông Scholz nói. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng gửi lời chúc mừng tới ông Tusk. “Thay mặt chính phủ Canada, tôi chúc mừng ông Donald Tusk được bổ nhiệm làm thủ tướng Ba Lan. Canada và Ba Lan sẽ tiếp tục là những đối tác mạnh mẽ giải quyết những thách thức chung của thời đại và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn cho người dân hai nước” - ông Trudeau chia sẻ. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ tịch Hạ viện Ba Lan tuyên bố, nghị sĩ gây rối trong buổi lễ Hanukkah (Lễ hội Ánh sáng truyền thống của người Do Thái) sẽ bị trừng phạt tài chính ở mức cao nhất.