Ba Lan trên đà trở thành cường quốc quân sự
Ba Lan đang trên đà trở thành cường quốc quân sự phi hạt nhân lớn và hiện đại nhất của châu Âu. Tháng 7-2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak tuyên bố, Ba Lan sẽ có “lực lượng trên bộ mạnh nhất ở châu Âu” nhờ các khoản đầu tư liên tục của chính phủ, với ngân sách quốc phòng lên tới 3% GDP.
Cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm xoay chuyển xu hướng quân sự tại châu Âu, đặc biệt tại Ba Lan. Tại một lục địa mà nhiều quốc gia đã dần cắt giảm chi tiêu quân sự sau Chiến tranh Lạnh, các chính phủ lại đang tìm cách tái quân sự hóa do nhận ra rằng mối đe dọa tiềm tàng ngay trong lục địa già sẽ vẫn hiện hữu trong tương lai gần. Và, Ba Lan là quốc gia dẫn đầu xu hướng đó.
Động lực thúc đẩy
Cảm giác cấp bách của Ba Lan xuất phát từ các hiệp ước bị phá vỡ và lo ngại qua những vấn đề nảy sinh từ cuộc chiến Nga - Ukraine. Việc tái quân sự của Ba Lan không chỉ nhằm chuẩn bị cho bất kỳ mối đe dọa nào có thể, mà còn phản ánh mong muốn không còn dựa vào các cường quốc, những nước trước đây đã hứa sẽ bảo vệ Vácsava nhưng chưa bao giờ thực hiện.
Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak tuyên bố Ba Lan sẽ có “lực lượng trên bộ mạnh nhất ở châu Âu”.
Trong lịch sử, Ba Lan coi các nước Tây Âu là đối tác không đáng tin cậy trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngay từ đầu, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đóng một vai trò lớn trong việc ngăn cản Ukraine gia nhập liên minh quân sự. Nhiều người ở Ba Lan và Ukraine coi cả một thế hệ chính trị gia Đức là những “kẻ nhân nhượng”, vì họ ủng hộ chính sách “thay đổi thông qua thương mại” đối với Điện Kremlin.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt tay vào "đối thoại chiến lược" với Tổng thống Putin vào năm 2019 mà không tham khảo ý kiến các nước Đông Âu. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm gia tăng sự ngờ vực, với cả Paris và Berlin dường như miễn cưỡng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Người kế nhiệm của bà Merkel là ông Olaf Scholz tiếp tục do dự trong việc giao vũ khí cho Ukraine, chứ chưa nói đến việc tẩy chay năng lượng của Nga. Nói một cách thẳng thắn, một số người tin rằng Pháp và Đức đã “thất bại trong việc dẫn dắt” châu Âu. Điều này đã mở ra một “khoảng trống lãnh đạo” ở châu Âu. Do đó, không ngạc nhiên khi Vácsava hiện coi Washington là một đồng minh chiến lược đáng tin cậy hơn.
Nỗ lực trở thành cường quốc quân sự
Trong bối cảnh Nga đưa quân vào Ukraine, Ba Lan đã bắt tay vào việc mua sắm các lô hàng vũ khí thông thường của Mỹ lớn nhất trong lịch sử. Vào tháng 3-2022, Vácsava đã hoàn tất việc mua các tên lửa Patriot trị giá 4,75 tỷ USD để củng cố hệ thống phòng thủ chống tên lửa của quốc gia.
Ba Lan có tham vọng trở thành cường quốc quân sự của châu Âu.
Khi cuộc chiến tiếp diễn ở Ukraine, Ba Lan cũng đã yêu cầu thêm 6 hệ thống Patriot vào cuối tháng 5-2022. Đây không phải là hoạt động mua sắm lớn đầu tiên của nước này, Ba Lan đã chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất vào tháng 2-2022 và xúc tiến đợt mua xe tăng lớn nhất từ trước đến nay, đặt hàng 250 xe tăng M1 Abrams từ Mỹ.
Cùng với những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị, trong đó Nga tìm cách đạt được sự nhượng bộ thông qua việc sáp nhập lãnh thổ, gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực và vũ khí hóa việc cung cấp năng lượng của châu Âu, Ba Lan tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ của mình, bao gồm một khoản mua vũ khí lớn từ Hàn Quốc, với 180 xe tăng K2 sẽ được chuyển giao vào năm 2024 và 400 chiếc khác vào năm 2030. Ngoài ra, Ba Lan đã mua 48 máy bay tấn công hạng nhẹ FA50, 1.400 xe chiến đấu bộ binh (IFV) và 670 pháo tự hành K9. Bộ trưởng Quốc phòng Blaszczak cũng tuyên bố Ba Lan sẽ tăng lực lượng tại ngũ lên 400.000 người với mức tăng phân bổ quốc phòng lên 3% GDP quốc gia.
Khoản đầu tư quốc phòng hàng đầu mà Ba Lan thực hiện có lẽ là việc mua 500 hệ thống pháo phản lực HIMARS từ Mỹ. Hệ thống pháo phản lực này đã trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với Ukraine, chỉ với 16 hệ thống đánh trúng các mục tiêu chính như kho nhiên liệu, kho đạn dược và các trung tâm chỉ huy, kiểm soát. HIMARS cũng đã tìm ra cách để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa S400 khét tiếng của Nga, điều có thể mang lại lợi thế cho các thành viên NATO trong trường hợp xảy ra xung đột trong tương lai.
Đầu năm nay, Ba Lan đã viện trợ hơn 240 xe tăng T-72 do Liên Xô (cũ) thiết kế cho Ukraine. Tháng 72022, Ukraine xác nhận rằng Ba Lan cũng đã cung cấp một số lượng không xác định xe tăng PT-91 Twardy, là phiên bản nâng cấp của T-72. Ba Lan là nhà tài trợ thiết bị quân sự lớn thứ hai cho Ukraine trong năm nay, chỉ sau Mỹ. Tổng thống Andrzej Duda đã nói rõ vào tháng 6-2022 rằng Vácsava hy vọng các đồng minh của họ sẽ giúp lấp đầy những khoảng trống ở Ukraine bằng cách quyên góp hoặc bán thiết bị của riêng họ.
Cùng với việc duy trì các khả năng để củng cố một tuyến phòng thủ đến tận Baltic, Ba Lan đã phê chuẩn sự hiện diện thường trực của Quân đoàn 5 Mỹ và tìm kiếm việc phát triển quan hệ với quân đội Anh.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tìm cách tái quân sự hóa khi đối mặt với các mối đe dọa đang rình rập (Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha và các nước vùng Baltic), Ba Lan đã đi đầu trong những nỗ lực này, trở thành là tuyến đầu phòng thủ của châu Âu. Với những bi kịch của lịch sử vẫn còn hằn sâu trong ký ức của liên minh, có vẻ như Ba Lan sẽ không muốn mất cảnh giác một lần nữa.
Nguồn: [Link nguồn]
Không quân Mỹ ở châu Âu ngày 4/8 ra thông báo tuyên bố 12 tiêm kích tàng hình F-22 đã hạ cánh tại một căn cứ không quân ở Lask, Ba Lan, quốc gia láng giềng Ukraine.