Ba Lan, loạt quốc gia Baltic muốn mua hệ thống HIMARS của Mỹ đối phó Nga
Nhiều quốc gia Đông Âu đang thúc đẩy thỏa thuận vũ khí với Mỹ để sở hữu các hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS, sau khi chứng kiến hệ thống vũ khí này đạt một số thành tựu nhất định ở Ukraine.
Nhiều quốc gia Đông Âu và vùng Baltic muốn ở hữu các hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS.
Hôm 26.7, quân đội Ukraine đã bất ngờ tập kích hỏa lực dữ dội bằng hệ thống HIMARS, nhằm vào cây cầu Antonovskiy tại Kherson. Sau đòn tập kích của Ukraine, cây cầu đã bị hư hại nghiêm trọng, theo Guardian.
Việc các hệ thống HIMARS đạt thành tựu nhất định trong cuộc xung đột ở Ukraine khiến loại vũ khí này trở thành ưu tiên mua sắm phục vụ quốc phòng của các nước giáp Ukraine và Nga.
Giới chức quốc phòng Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia đang đàm phán với Mỹ về việc mua rocket HIMARS. Cuộc xung đột ở miền đông Ukraine là nguyên nhân khiến các quốc gia này muốn cải thiện sức mạnh quốc phòng, theo Newsweek.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Mariusz Blaszczak thông báo kế hoạch mua hệ thống HIMARS của Mỹ vào tháng 5. Số lượng các hệ thống HIMARS cụ thể vẫn đang được Mỹ và Ba Lan đàm phán.
Hôm 15.7, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch bán cho Estonia 6 hệ thống HIMARS trị giá 500 triệu USD. Estonia là nước thành viên NATO và thỏa thuận vũ khí giúp nước này gia tăng khả năng răn đe trong khu vực, giúp bảo vệ lợi ích của Mỹ, tuyên bố của Washington cho biết.
Kusti Salm, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, nói các hệ thống HIMARS sẽ khiến Nga phải tính toán kỹ trước khi leo thang căng thẳng.
“Tấn công Estonia, các nước thành viên NATO ở vùng Baltic là điều phức tạp và hết sức tốn kém”, ông Salm nói.
Latvia, một quốc gia vùng Baltic khác và là thành viên NATO, đã đề nghị mua các hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất, một phát ngôn viên quân sự nói với Defense News.
Trong một cuộc họp hồi tháng 6 ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng, các nước vùng Baltic, Latvia, Estonia và Lithuania đều bày tỏ nguyện vọng với Mỹ về việc muốn sở hữu hệ thống HIMARS.
“Cùng với các đồng minh Latvia và Estonia, chúng tôi đang phát triển năng lực với hệ thống HIMARS”, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania, Arvydas Anušauskas, nói. “Lithuania dự kiến sẽ ký hợp đồng với Mỹ vào cuối năm nay”.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc sử dụng hệ thống pháo HIMARS để gây sát thương mà không phá hủy cơ sở hạ tầng là một thách thức với quân đội Ukraine.