Ba Lan gợi ý bắn hạ tên lửa Nga trong không phận Ukraine, NATO lên tiếng
Ngoại trưởng Ba Lan nói quốc gia có trách nhiệm bắn hạ tên lửa thù địch trong cuộc xung đột ở Ukraine nhưng NATO có quan điểm khác.
Các bệ phóng Patriot (phải) của Mỹ và radar của Anh xuất hiện trong một cuộc tập trận quân sự ở Lithuania – nước thành viên NATO vào năm 2017. Ảnh: Reuters.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không muốn can dự trực tiếp vào xung đột Nga – Ukraine, một phát ngôn viên NATO cho biết hôm 2/9.
Ukraine đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga ngay trong không phận nước này nhưng NATO đến nay chưa đồng ý.
“NATO không phải là một bên tham gia cuộc xung đột Nga – Ukraine và sẽ không trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột này”, một phát ngôn viên NATO nói, nhấn mạnh trách nhiệm của khối là “ngăn chặn leo thang”.
“Mặc dù mỗi thành viên trong khối đều có quyền tự bảo vệ không phận quốc gia nhưng các nước thành viên nên ‘tham khảo ý kiến chặt chẽ’ với các thành viên khác vì đơn phương hành động có thể ảnh hưởng đến toàn thể NATO", phát ngôn viên nói thêm.
Tuyên bố được NATO đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nêu ý tưởng bắn hạ tên lửa Nga ngay trên bầu trời Ukraine khi trả lời phỏng vấn báo Anh Financial Times (FT).
“Khi tên lửa của quốc gia không thân thiện có đường bay hướng vào không phận Ba Lan, chúng tôi có quyền tự vệ hợp pháp để bắn hạ những tên lửa này”, ông Sikorski nói trong bài phỏng vấn đăng trên tờ FT hôm 2/9. “Đây là hành động tự vệ chính đáng vì nếu tên lửa đi vào không phận của chúng tôi, nguy cơ mảnh vỡ gây thương vong là rất đáng kể".
"Tư cách thành viên NATO không đồng nghĩa bỏ qua trách nhiệm của mỗi quốc gia trong bảo vệ không phận của riêng mình. Đó là trách nhiệm được quy định trong hiến pháp của chúng tôi", ông Sikorski giải thích.
Tháng 7/2024, Ba Lan và Ukraine ký hiệp ước song phương, trong đó có điều khoản cân nhắc "tính khả thi của việc đánh chặn tên lửa và UAV trong không phận Ukraine nếu mục tiêu bay về phía Ba Lan”.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz sau đó giải thích việc đánh chặn sẽ không thể diễn ra nếu không có sự cho phép của NATO.
Ông Mircea Geoana, Phó Tổng Thư ký sắp mãn nhiệm của NATO, từng nói mỗi nước thành viên “cần tham vấn liên minh trước khi thực hiện một hành động nào đó có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ NATO”. Ba Lan luôn tuân thủ khi nhắc đến các cuộc tham vấn như vậy, ông Geoana cho biết.
Theo ông Geoana, NATO “sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp Ukraine và cũng sẽ làm tất cả những gì cần thiết để tránh leo thang xung đột”.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov thông báo đã thảo luận “kế hoạch lập lá chắn phòng không” với các quan chức NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Bỉ.
Nguồn: [Link nguồn]
Thị trưởng Moscow cho biết, các lực lượng phòng không địa phương đã được kích hoạt để ngăn chặn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào thủ đô Nga.