Ba câu hỏi lớn vụ 39 thi thể trong container ở Anh

Gần một tuần sau thảm kịch 39 người chết ở Anh, vẫn còn nhiều câu hỏi mà phía cảnh sát đang tích cực điều tra để tìm ra lời giải đáp.

Cảnh sát Anh đang làm việc tại hiện trường nơi phát hiện chiếc container chứa 39 thi thể chưa rõ danh tính. Ảnh: PA

Cảnh sát Anh đang làm việc tại hiện trường nơi phát hiện chiếc container chứa 39 thi thể chưa rõ danh tính. Ảnh: PA

Maurice Robinson (25 tuổi) đến từ Craigavon ở Bắc Ireland đã hầu tòa sơ thẩm tại Tòa án Chelmsford Magistrates vào hôm 28-10 (giờ Anh). Bị can Robinson bị cáo buộc âm mưu buôn người, hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp, rửa tiền và ngộ sát. Ba nghi phạm khác liên quan vụ án, sau quá trình thẩm tra của cảnh sát Anh, đã được phóng thích hôm 27-10.

Sau khi thảm kịch được phát hiện gần một tuần, vụ điều tra “lớn nhất” trong lịch sử hoạt động của lực lượng cảnh sát hạt Essex ở Anh vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Phía cảnh sát Anh đã nhiều lần đề nghị báo chí và mạng xã hội không “suy đoán” vì điều đó có thể ảnh hưởng quá trình điều tra. Tuy nhiên, đây là vụ án diễn biến nhanh và phức tạp, nên Pháp Luật TP.HCM cố gắng hệ thống lại những vấn đề cốt lõi mà quý độc giả quan tâm và có thể sẽ nhận được lời giải đáp trong thời gian tới.

1. Lịch trình thùng container

Liên quan đến thùng container chở thi thể các nạn nhân, có hai vấn đề cho đến nay phía cảnh sát vẫn chưa làm rõ. Thứ nhất, truyền thông quốc tế cho rằng có đến ba thùng container chở khoảng 100 người nhưng chỉ có một chiếc bị phát hiện hôm 23-10. Câu hỏi đặt ra: Vì sao chỉ có một thùng container bị phát hiện và hai chiếc còn lại ra sao?

Bên cạnh đó, đối với lộ trình của thùng container chứa xác người hiện vẫn còn là điều bí ẩn. Cho đến nay chỉ có thể khẳng định chiếc thùng container chứa 39 nạn nhân xuất phát từ cảng Zeebrugge, Bỉ bằng tàu sang cảng Purfleet, hạt Essex, Anh để ráp với đầu kéo do tài xế Maurice Robinson điều khiển từ Ireland sang. Tại đây container bị phát hiện, thu giữ.

Dữ liệu GPS thu được cho thấy trước đó, từ ngày 15 đến 22-10, chiếc thùng container từng đến một địa điểm ở địa phận Thurrock, hạt Essex. Đây chính là nơi sau đó chiếc container được mở ra rạng sáng 23-10 với 39 thi thể đông cứng. Lịch trình từ ngày 15 đến trước khi bị cảnh sát thu giữ của thùng container hết sức phức tạp.

Nó xuất phát từ hạt Monaghan (Ireland), lên phía bắc rồi lại xuống phía nam đất nước này trước khi sang Holyhead (xứ Wales). Tiếp đó nó được vận chuyển đến Anh và có dừng ở cảng Dover (thuộc hạt Kent), nơi nổi tiếng là trung tâm trung chuyển người di cư trái phép. Tại Anh, container di chuyển đến nhiều địa điểm trước khi trở về châu Âu vào ngày 17-10. Ở châu Âu, thùng container được chuyển sang Pháp, sau đó mới đến cảng Zeebrugge vào ngày 22-10 để chuẩn bị qua lại Anh (và bị bắt) vào ngày 23-10.

Hành trình của tài xế M. Robinson và thùng container chứa 39 thi thể. Đồ họa: THE TIMES

Hành trình của tài xế M. Robinson và thùng container chứa 39 thi thể. Đồ họa: THE TIMES

2. Danh tính các nạn nhân

Cảnh sát Anh, Đại sứ Anh tại Việt Nam từ ngày 23-10 khẳng định “chưa thể xác định danh tính các nạn nhân” và yêu cầu báo chí, mạng xã hội “không suy đoán” vì có thể cản trở quá trình điều tra. Trong thông cáo phát đi ngày 28-10, Đại sứ Anh Gareth Ward nói: “Hiện giờ chúng tôi vẫn chưa có thông tin chính xác về việc những người này là ai và họ đến từ đâu. Nhưng dù bất kể quốc tịch của họ là gì, chúng tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và người thân của họ (…) Tôi và Bộ Công an đã bàn luận về cách hai chính phủ có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong quá trình xác định danh tính các nạn nhân”.

Liên quan đến quá trình xác minh danh tính các nạn nhân, Đại sứ Anh giải thích thêm: “… Quá trình xác minh này sẽ mất nhiều thời gian nhằm đảm bảo nhân phẩm của các nạn nhân và sự chính xác trong quy trình giám định pháp y, đồng thời bảo mật thông tin cho cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp diễn”.

Thông tin trên trùng khớp với phát biểu cùng ngày của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Theo đó, phía Anh đã đưa hồ sơ bốn nạn nhân tử vong trong container cho phía Việt Nam để chắp nối các thông tin nhằm xác định nhân thân mỗi trường hợp. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định: Đến nay chưa có căn cứ để khẳng định trong số những nạn nhân trên có người Việt Nam hay không.

Trước đó (24-10), cảnh sát Anh tuyên bố tất cả 39 nạn nhân đều là người Trung Quốc. Tuy nhiên, hôm 25-10, phía cảnh sát Essex cho rằng vụ án phát hiện những tình tiết mới nên chưa thể có kết luận chính xác về nhân thân, quốc tịch của các nạn nhân.

Đến chiều 28-10, có 14 lao động quê Nghệ An đi sang Anh bị mất liên lạc với người thân từ ngày 23-10. Trong đó, chủ yếu là ở huyện Yên Thành, riêng xã Đô Thành có năm người đang mất liên lạc. 

3. Đường dây phía sau tài xế Robinson

Vụ án kinh động lần này đặt ra dấu chấm hỏi rất lớn về đường dây tổ chức đưa người vào Anh trái phép. Câu hỏi đặt ra là: Các nạn nhân có cùng hay khác địa điểm xuất phát? Hành trình của các nhóm nạn nhân ra sao? Đằng sau tài xế Maurice Robinson đang trong quá trình bị xét xử là những ai, hoạt động quy mô như thế nào?

Cảnh sát Anh đang cố gắng điều tra những tình tiết này vì giả sử Maurice Robinson là một thành viên trong đường dây đưa người vượt biên trái phép thì một mình anh ta sẽ không thể đủ sức thực hiện. Trong khi đó, các vụ án trước đây liên quan đến đưa người nhập cư vào Anh trái phép cho thấy hành trình của các nạn nhân đều do một đường dây chuyên nghiệp thực hiện với nhiều chiêu thức khác nhau: (i) Nhận “khách hàng” hoặc bắt giữ “nô lệ” từ nhiều quốc gia khác nhau, phần nhiều ở châu Á; (ii) chuyển sang nhiều quốc gia trung chuyển (Trung Quốc, Rumani, Pháp, Đức, Phần Lan, v.v.) trước khi vào Anh.

Tổ chức chống buôn người Precarious Journeys công bố đầu năm 2019 rằng: Số tiền phải bỏ ra cho các nhóm đưa người trên dao động từ 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng) đến 40.000 USD (khoảng 928 triệu đồng) để được đưa sang Anh. Các nhóm này khẳng định số tiền càng nhiều thì quãng đường sẽ “ngắn” và “ít nguy hiểm” hơn.

Theo báo The Telegraph, đằng sau mỗi vụ đưa người vượt biên đều có một “đầu rắn lớn” kiểm soát toàn bộ hành trình. Các “đầu rắn” sử dụng nhiều cách khác nhau, bằng cách dùng các hộ chiếu giả hay dùng tiền hối lộ để đưa người vượt biên đi từ nước này sang nước khác cho đến khi nào tới được đích đến. Chẳng hạn, một khách hàng sẽ phải di chuyển liên tục từ Trung Quốc đại lục tới Macau, sang Hàn Quốc rồi tiếp tục được đưa tới Anh. Các trạm trung chuyển rất đa dạng. Toàn bộ quá trình sẽ được “đầu rắn” chỉ đạo. Trong khi đó, người vượt biên sẵn sàng vượt qua chuyến hành trình khó khăn, dù bị nhồi nhét trong các thùng xe tải, thiếu nước hay thiếu thức ăn, miễn là tới được nước Anh.

Có đường dây đưa người lao động ra nước ngoài trái phép

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, hôm 28-10 bên hành lang Quốc hội cho biết hiện cơ quan chức năng Việt Nam gồm Bộ Công an và các cơ quan hữu quan đang phối hợp với Đại sứ quán Anh để sớm đưa ra thông báo, kết luận vụ việc. Ông cũng nói nếu có công dân Việt Nam thật thì có thể cho thấy có đường dây đưa lao động trái phép ra nước ngoài.

“Chúng ta phải có nghiệp vụ để nắm. Theo tôi nghĩ buôn bán bằng con đường đi qua biên giới, bằng con đường tàu biển hay bằng con đường khác trá hình các loại hộ chiếu thì phải có đường dây chứ không phải vô hình trung mà đi được. Cho nên phải tăng cường quản lý chặt hơn nữa” - tướng Nghĩa nói.

TRỌNG PHÚ

__________________________

Nghệ An chỉ đạo hỏa tốc việc đi Anh mất liên lạc

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát số người địa phương đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài liên quan đến thông tin nêu trên, xác định rõ danh tính, thân nhân để kịp thời động viên, thăm hỏi (nếu có) và báo cáo kịp thời về UBND tỉnh qua Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh để xử lý, đồng thời có biện pháp ổn định tình hình trên địa bàn.

Đồng thời, đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các đơn vị tuyển dụng lao động hoạt động trên địa bàn để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này. Cùng đó là tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để nhân dân phòng tránh, tố giác.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An còn chỉ đạo các đơn vị khác, bao gồm Sở Ngoại vụ Nghệ An, Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh,… cùng tham gia vào việc tham mưu, phối hợp, giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ 39 người chết ở Anh.

ĐẮC LAM

Người nhập cư vào Anh đục thủng màn che trên xe container để lấy dưỡng khí

Bức ảnh hai người đàn ông được cho là người nhập cư đục thủng tấm màn che trên xe container để lấy dưỡng khí được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PV ([Tên nguồn])
39 công dân chết trong xe container ở Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN