Azerbaija tiếp tục chiến dịch ở Karabakh bất chấp lời kêu gọi của Mỹ, Nga

Azerbaijan ngày 20/9 cho biết hoạt động quân sự của nước này tại khu vực Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn thành công sau khi Nga và phương Tây kêu gọi dừng các hành động thù địch.

Hình ảnh từ video do Bộ Quốc phòng Azerbaijan công bố cho thấy một cuộc tấn công nhằm vào trạm kỹ thuật vô tuyến quân sự của các đơn vị lực lượng vũ trang Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters

Hình ảnh từ video do Bộ Quốc phòng Azerbaijan công bố cho thấy một cuộc tấn công nhằm vào trạm kỹ thuật vô tuyến quân sự của các đơn vị lực lượng vũ trang Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters

Sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng ở Nagorno-Karabakh do Armenia kiểm soát, Azerbaijan đã điều quân và tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh nhằm vào khu vực này.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết trong một tuyên bố trên Telegram rằng các biện pháp quân sự "tiếp tục thành công" với việc các vũ khí và thiết bị quân sự bị phá hủy.

Vùng núi Karabakh được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng một phần được điều hành bởi chính quyền Armenia ly khai, những người nói rằng đây là quê hương của tổ tiên họ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tổ chức các cuộc gọi với cả Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, kêu gọi Azerbaijan "ngừng ngay lập tức các hành động quân sự" và xuống thang tình hình.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Tổng thống Aliyev "bày tỏ sự sẵn sàng" chấm dứt hành động thù địch và tổ chức một cuộc gặp với đại diện của Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Aliyev nói với Ngoại trưởng Blinken rằng Azerbaijan sẽ chỉ ngừng hoạt động sau khi các chiến binh Armenia hạ vũ khí và đầu hàng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken nói với Thủ tướng Pashinyan rằng Armenia nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Washington.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết Karabakh đang bị pháo kích dữ dội nhằm kích động chiến tranh. Ông yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình Nga thực hiện công việc của họ.

Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức giao tranh" sau khi Liên minh châu Âu, Pháp và Đức lên án hành động quân sự của Azerbaijan.

Không rõ liệu hành động của Azerbaijan có gây ra xung đột toàn diện ở Armenia hay không, nhưng giao tranh ở Karabakh có thể làm thay đổi cán cân địa chính trị ở Nam Caucasus, theo Reuters. Đây là khu vực mà Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang cạnh tranh sự ảnh hưởng

Chính quyền ly khai Karabakh cho biết 27 người đã thiệt mạng, trong đó có hai dân thường và hơn 200 người bị thương do các hoạt động quân sự. Cư dân của một số ngôi làng đã được sơ tán.

Mátxcơva sáng sớm 20/9 kêu gọi cả hai bên chấm dứt đổ máu và hành động thù địch, đồng thời quay trở lại thực hiện thỏa thuận ngừng bắn năm 2020.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố đăng trên Telegram: “Chúng tôi kêu gọi các bên ngay lập tức chấm dứt đổ máu, chấm dứt hành động thù địch và dừng gây thương vong cho dân thường”.

Mối quan hệ giữa Nga và Armenia - hai đồng minh truyền thống - đã trở nên xấu đi kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine và ngày càng xấu đi trong những tháng gần đây vì Armenia cho rằng Mátxcơva đã không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn năm 2020. Armenia phàn nàn rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga có nhiệm vụ giám sát thỏa thuận ngừng bắn nhưng không thể ngăn Azerbaijan phong tỏa Nagorno-Karabakh.

Armenia, quốc gia đang tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình định kỳ với Azerbaijan, đã lên án hành động của nước láng giềng và cáo buộc Azerbaijan pháo kích các thị trấn, làng mạc.

Azerbaijan cho biết mục tiêu của chiến dịch là "giải giáp và đảm bảo việc rút quân của các lực lượng vũ trang Armenia khỏi lãnh thổ của chúng tôi, vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự của họ".

Căng thẳng Armenia – Azerbaijan có liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Xung đột bùng phát lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1980, khi 2 nước vẫn còn thuộc Liên Xô và Armenia giành quyền kiểm soát một dải đất rộng gần Nagorno-Karabkah mà quốc tế đã thừa nhận là thuộc về Azerbaijan. Ở đó có một cộng đồng người Armenia sinh sống.

Năm 2020, giữa Armenia và Azerbaijan đã xảy ra cuộc chiến kéo dài 44 ngày tại Nagorno-Karabakh. Cuộc đụng độ kết thúc bằng thoả thuận ngừng bắn do Nga dàn xếp.

Vào tháng 8/2022, Baku yêu cầu “phi quân sự hóa” khu vực tranh chấp, trong khi Yerevan cáo buộc Azerbaijan cố gắng cắt đứt con đường nối Nagorno-Karabakh với Armenia.

Nguồn: [Link nguồn]

Hỗn loạn ở Armenia: Thủ tướng lo đảo chính, người biểu tình đụng độ cảnh sát

Căng thẳng leo thang mới nhất ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh đã gây ra tình trạng bất ổn ở Armenia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh - Reuters ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN